Bố trí cán bộ nặng về đánh giá hiệu quả công tác, ít nói đến đạo đức

D. Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Khi xem xét bố trí cán bộ chỉ nặng về đánh giá hiệu quả công tác, sự nhanh nhạy, năng động, ít nói về đạo đức, dù trong bản kê khai nhận xét đều có”, Đại biểu Dương Văn Thống (Yên Bái) bày tỏ.

Phát biểu tại phiên tham luận hội trường Quốc hội ngày 3/11, Đại biểu Dương Văn Thống (Yên Bái) cho rằng, mộ máy của chúng ta có thể nói là rất cồng kềnh, đông người, áng chừng so với 20, 30 năm trước nhiều hơn khoảng 20% trở lên. Không ít bộ phận không còn cần thiết cho công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành. 
Ví dụ trong một tổ chức lập ra nhiều bộ phận, trong đó bố trí người, các ban chỉ đạo, trong đó, nhiều ban chỉ đạo thực sự không cần thiết.

Ông cho biết, bản thân ông cũng làm trưởng ban chỉ đạo, “vừa rồi trung ương xóa 1 ban chúng tôi cũng xóa luôn 1 ban, còn 2 ban nữa nếu có thẩm quyền tôi cũng đề nghị xóa luôn”.
 Ông Dương Văn Thống
Ví dụ, ở Yên Bái, số người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách nhà nước 2016 là 17.200 người, số tiền tiêu ngân sách của năm 2016 là 1.100 tỷ đồng, trong tổng số chi thường xuyên hơn 4.000 tỷ. Chưa tính sự nghiệp y tế, giáo dục, chỉ nói là bộ máy đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể, đến cơ sở thôn, bản. Cùng với sự cồng kềnh, số lượng nhiều như vậy thì chất lượng cán bộ nhiều hạn chế, yếu kém.

Phân tích nguyên nhân, đại biểu cho rằng, tổ chức bộ máy của chúng ta bộc lộ nhiều điểm bất hợp lý, có bộ phận không cần thiết nhưng chưa được thiết kế lại một cách tổng thể.

Hai là ta vẫn nói như Bác Hồ "cán bộ là cái gốc của mọi công việc, đức là cái gốc của người cán bộ", nhưng đã coi nhẹ, buông lỏng giáo dục, rèn luyện cán bộ về phẩm chất, đạo đức, lối sống.

“Tôi thấy cán bộ đứng đầu, cán bộ lãnh đạo các cấp khi đến đâu đó chỉ đạo chỉ tập trung nói nhiều về phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng an ninh, xây dựng hệ thống chính trị chung chung. Nói như thế là đúng nhưng chưa đủ, hầu như không thấy ai nói nhiều về đạo đức, phong cách, bốn chữ "cần, kiệm, liêm, chính" có chăng chỉ nói đến chữ "cần", còn "kiệm, liêm, chính" chỉ thấy Tổng Bí thư và các giảng viên học viện, nhà trường nói khi phải giảng dạy.

Khi xem xét bố trí cán bộ chỉ nặng về đánh giá hiệu quả công tác, sự nhanh nhạy, năng động, ít nói về đạo đức, dù trong bản kê khai nhận xét đều có. Đây là lệch lạc không thể xem thường, công tác cán bộ là then chốt thì thanh tra, kiểm tra giám sát công tác cán bộ là công việc bậc nhất của lãnh đạ. Cho nên theo Đại biểu Thống, phải tập trung kiểm tra từ tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch và bố trí cán bộ kiểm tra, thanh tra phải chặt chẽ gắn với xử lý kỷ luật nghiêm.

Đại biểu Dương Văn Thống đề nghị nghiên cứu một cách rà soát và tổng thể cả bộ máy, hệ thống chính trị đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, phân công phối hợp kiểm soát quyền lực, giảm cả về tổ chức và con người trong đó biên chế phải giảm khoảng 20% trở lên chứ không phải 1%.

Cán bộ cơ sở nhất là cán bộ thôn bản, tổ dân phố phải thực hiện kiêm nhiệm. Cho nên, đề nghị lập cơ quan lâm thời của trung ương nghiên cứu rà soát tham mưu để trong vòng 1-2 năm, thiết kế tổng thể rà soát lại toàn bộ máy sau đó cấp cho thẩm quyền phê duyệt thì thi hành trong vài năm. Trong quá trình Quốc hội khi ban hành luật mới và sửa đổi luật thì không tăng biên chế bộ máy.

Ba, thường xuyên tập trung kiểm tra, thanh tra, giám sát công tác tổ chức cán bộ trong đó có sắp xếp bộ máy tinh giản biên chế và người đứng đầu cơ quan, tổ chức địa phương về công tác cán bộ, đạo đức, lối sống và tài sản...

Bốn, thường xuyên giáo dục rèn luyện cán bộ, đặc biệt là chú trọng rèn về đức, cần kiệm liêm chính, tôn trọng và phục vụ dân.
Cũng trong phiên thảo luận, Đại biểu Tăng Thị Ngọc Mai (Trà Vinh) cho rằng, một vấn đề mọi người rất quan tâm là kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ, cơ chế sàng lọc cán bộ, công chức tuyển dụng, bổ nhiệm phải bằng thi tuyển cạnh tranh, công bằng.
Theo đại biểu, cần đề cao phát huy các giá trị truyền thống của dân tộc, các chuẩn mực đạo đức, lòng yêu nước, đoàn kết, sự thông minh, sáng tạo, các giá trị sức mạnh của cộng đồng, nhất là việc xây dựng xã hội học tập nhằm nâng cao chất lượng vật chất lẫn tinh thần cho nhân dân trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.