Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh: Đến năm 2024, thị trường điện cạnh tranh sẽ vận hành đầy đủ

Vũ Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Ngày 7/9, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã tổ chức Phiên giải trình thực trạng giải pháp phát triển điện lực đến năm 2030 nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Báo cáo tại phiên giải trình, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, sau gần 10 năm thực hiện Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh, ngành điện Việt Nam đã có bước phát triển nhanh, tương đối đồng bộ trong các lĩnh vực, bám sát các quan điểm phát triển và đã đạt được nhiều mục tiêu quy hoạch đề ra. Theo đó, giai đoạn từ 2011 đến 2019, tốc độ tăng trưởng phụ tải điện của cả nước luôn duy trì ở mức cao, trung bình 10,5%/năm. Tính đến hết năm 2019, điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống đạt 239 tỷ kWh tăng 2,35 lần so với năm 2010.
 Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh báo cáo tại phiên giải trình
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng chỉ rõ hạn chế là nhiều dự án nguồn điện chậm tiến độ so với quy hoạch làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc đảm bảo cung ứng điện trong thời gian tới. Tổng công suất các nguồn điện truyền thống có thể đưa vào vận hành trong giai đoạn 2016-2020 chỉ đạt gần 60%. Đây là nguyên nhân cơ bản dẫn đến nguy cơ thiếu điện 2020- 2025. Có hiện tượng mất cân đối nguồn cung điện giữa các vùng miền, ở miền Bắc và miền Trung xảy ra tình trạng thừa cung, trong khi đó, ở miền Nam nguồn cung chỉ đáp ứng được khoảng 80% nhu cầu.
Về cân đối cung cầu điện giai đoạn 2021 - 2030, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhận định, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhu cầu phụ tải trong giai đoạn tới về cơ bản sẽ thấp hơn so với các kết quả dự báo trước đây. Nhu cầu điện thương phẩm sẽ duy trì mức tăng khoảng 8% trong giai đoạn 2021-2030. Năm 2025 dự kiến đạt khoảng 337,5 tỷ kWh và năm 2030 dự kiến đạt khoảng 478,1 tỷ kWh.
Công suất nguồn điện năm 2030 dự kiến khoảng 138.000 MW, trong đó nhiệt điện than chiếm 27%, nhiệt điện dầu và khí chiếm 19%, thủy điện chiếm 18%, điện gió và mặt trời chiếm 28%, nhập khẩu 5%, còn lại là các nguồn khác.
Tại Phiên giải trình, các đại biểu đánh giá cao những đóng góp của ngành điện lực đối với quá trình xây dựng và phát triển KT-XH của đất nước trong suốt thời gian qua. Các vấn đề được nhiều đại biểu đề nghị Bộ Công Thương cần làm rõ, đó là việc giảm giá điện do ảnh hưởng của dịch Covid-19 được thực hiện như thế nào? Có chính sách gì để hỗ trợ giá điện đối với hộ nghèo, hộ chính sách xã hội? Cơ chế nào để khuyến khích, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế, nhất là tư nhân tham gia phát triển ngành điện…
Giải trình các nội dung đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của Nhân dân do tác động của dịch Covid-19, thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đã ban hành công văn hướng dẫn về việc giảm giá điện, giảm tiền điện trong 3 tháng đối với khách hàng sinh hoạt, với các cơ sở lưu trú du lịch, các cơ sở được sử dụng để cách ly, điều trị bệnh nhân nghi nhiễm hoặc đã nhiễm Covid - 19. Theo báo cáo của EVN, trong thời gian 3 tháng, từ ngày 16.4.2020 đến hết 16.7.2020, EVN đã thực hiện giảm giá điện, giảm tiền điện cho 27,3 triệu khách hàng.
Đối với hỗ trợ giá điện cho hộ nghèo, hộ chính sách xã hội, theo quy định tại Luật Điện lực, Nhà nước hỗ trợ giá bán lẻ điện cho mục đích sinh hoạt đối với hộ nghèo, hộ chính sách xã hội theo tiêu chí do Thủ tướng Chính phủ quy định phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội từng thời kỳ. Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg đã quy định: Hộ nghèo và hộ chính sách xã hội theo tiêu chí do Thủ tướng Chính phủ quy định được hỗ trợ tiền điện cho mục đích sinh hoạt, mức hỗ trợ hàng tháng tương đương tiền điện sử dụng 30 kWh. Theo số liệu của Bộ Tài chính năm 2018, đã thực hiện hỗ trợ cho khoảng 1,807 triệu hộ nghèo, hộ chính sách xã hội; năm 2019 thực hiện hỗ trợ cho 1,605 triệu hộ.
Trả lời về vấn đề thị trường điện cạnh tranh mà Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đưa ra, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết có bị trói buộc bởi Luật Giá.
Đặc biệt về việc giá điện đã theo cơ chế thị trường chưa? Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thông tin, giá điện đang hướng tới các cấp độ triển khai hướng tới thị trường. Cụ thể, Bộ Công Thương đã xây dựng đề án đề xuất mô hình thị trường bán lẻ điện cạnh tranh với 3 giai đoạn thực hiện. Cụ thể, giai đoạn 1 (đến hết năm 2021) là giai đoạn chuẩn bị. Giai đoạn 2 (từ năm 2022 đến năm 2024) cho phép khách hàng sử dụng điện được mua điện trên thị trường điện giao ngay và giai đoạn 3 (từ sau năm 2024) cho phép các khách hàng được lựa chọn đơn vị bán lẻ điện. "Theo đề án này, đến năm 2024, thị trường điện cạnh tranh sẽ vận hành đầy đủ"- Bộ trưởng Công thương nhấn mạnh.
Làm rõ thêm, ông Trần Tuấn Anh cho biết khi đó, thị trường điện khi đó sẽ có tăng, có giảm. Theo đó, nhà nước sẽ chỉ quản lý phí truyền tải điện, không can thiệp vào giá điện. "Giá điện chỉ có tăng, không có giảm từ 2011 đến 2020 là do chưa có cơ hội để đảm bảo cân đối, cơ cấu giá thành của các nhà đầu tư điện được tính đủ trong giá đầu vào. Thời gian qua, có sự giảm giá đầu vào của khí, gas nên có sự giảm giá 10% giá điện thông qua việc hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong đợt dịch Covid-19 vừa qua"- Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.
 Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu tại phiên giải trình
Đáng chú ý, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho hay, trong quy hoạch điện VIII, việc triển khai các dự án điện than sẽ được quản lý chặt chẽ. Nền kinh tế sẽ không đưa thêm nhiều dự án điện than vào quy hoạch. Các dự án sẽ được đánh giá đầy đủ về yếu tố môi trường. Cùng đó, sẽ có sự điều chỉnh về cơ cấu các nguồn điện trong thời gian tới. "Đặc biệt, không thể trút gánh nặng cho nền kinh tế khi các nguồn năng lượng giá thành cao ồ ạt đi vào hoạt động. Điện than sẽ được tính toán cùng các dự án điện khí để điều chỉnh cho phù hợp"- Bộ trưởng nói.
Phát biểu tại Phiên giải trình, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, vấn đề an ninh năng lượng đã được đề cập đến từ thập kỷ 70 của thế kỷ XX, được định nghĩa vắn tắt là: "là sự bảo đảm đầy đủ năng lượng dưới nhiều dạng khác nhau, sạch và rẻ". Nếu xét trên góc độ của định nghĩa này thì sự bảo đảm an ninh năng lượng của cả thế giới không phải là một vấn đề có thể giải quyết dễ dàng, kể cả trong hiện tại và tương lai của nhiều thập kỷ tới.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, trong thời gian tới, mục tiêu lớn nhất, bao quát nhất là phải bảo đảm năng lượng cho sự phát triển KT-XH, giữ vững an ninh - quốc phòng, có cơ cấu hợp lý, tăng trưởng theo chiều sâu và không để bị động vì thiếu năng lượng. Do đó, các nhiệm vụ và giải pháp được Phó Chủ tịch Quốc hội đưa ra, đó là phải tập trung xử lý, giải quyết những tồn tại, vướng mắc để đưa 10 dự án điện chậm tiến độ vào vận hành; triển khai các tuyến truyền tải điện đã được phê duyệt, đã có quy hoạch trên nguyên tắc đã có dự án nguồn điện cần phải có dự án đường truyền để điện đi từ nơi sản xuất tới nơi tiêu thụ một cách tốt nhất. Khẩn trương xây dựng, bổ sung, hoàn thiện và thông qua quy hoạch của ngành năng lượng nói chung và quy hoạch sơ đồ điện VIII nói riêng đảm bảo có tầm nhìn, có sự kế thừa sơ đồ điện VII điều chỉnh, có cơ cấu hợp lý, lấy hiệu quả làm chính, tránh tư tưởng cục bộ của các bộ, ngành, địa phương.