Bộ trưởng Bộ GD&ĐT chỉ ra các cách thức nâng cao chất lượng sách giáo khoa

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Các vấn đề chất lượng sách giáo khoa (SGK), dạy và học các môn tích hợp Chương trình Giáo dục phổ thông mới (GDPT 2018) với lớp 6; tổng kết sử dụng SGK thời gian qua… đã được các đại biểu đặt ra với Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.

Ngày 11/11, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành Phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn.
Điều chỉnh quy trình, điều kiện đảm bảo chất lượng SGK
Đại biểu Nguyễn Thị Huế (Đoàn Bắc Kạn) hỏi: Trong bộ sách Khoa học tự nhiên, Tiếng Việt của NXB Giáo dục Việt Nam có một số bài học thiếu thiếu tính khoa học và giáo dục. Trong đó, môn học tích hợp trong chương trình SGK mới đang nảy sinh tình trạng một môn học có ba giáo viên lên lớp do chuyên môn giáo viên khác nhau.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trả lời, khi có các ý kiến về các SGK, ý kiến về nội dung khoa học và một số bài, Hội đồng chuyên môn đã trao đổi với các đơn vị, kịp thời điều chỉnh, sửa chữa nội dung trước khi đến tay học sinh. Về lâu dài, Bộ đang điều chỉnh về quy trình, điều kiện để đảm bảo SGK có chất lượng ngày càng cao hơn.
Về dạy học tích hợp, Bộ trưởng nói việc này đang thực hiện ở lớp 6. Trong quá trình thiết kế, Bộ đã hướng dẫn các nhà trường sắp xếp sao cho ba giáo viên của các phân môn khác nhau dạy học theo logic nội dung. Đơn vị nào sắp xếp theo đúng nội dung chương trình thì triển khai thuận lợi. Đơn vị nào sắp xếp cả ba giáo viên dạy song song thì có phần lúng túng.
Bộ trưởng cho biết thêm, trong quá trình triển khai, Bộ đã tập huấn cho trên 9.000 giáo viên cốt cán, các giáo viên cốt cán cũng về tập huấn tiếp cho các giáo viên tại đơn vị. Tuy nhiên, việc này sẽ còn tiếp tục tăng cường trong việc triển khai môn tích hợp thời gian sắp tới, trong đó vai trò của lãnh đạo các cơ sở, trường học là hết sức quan trọng trong việc phân bổ thời khóa biểu, sắp xếp giáo viên.
 Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trả lời chất vấn của các đại biểu
Bộ sẽ giám sát, đồng hành với NXB ngay từ đầu
Trả lời đại biểu Trần Công Phàn (Bình Dương) cũng về chất lượng SGK, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết cái có thể nói lúc này là làm gì để tăng cường chất lượng SGK sắp tới. SGK phụ thuộc nhiều yếu tố như người biên soạn, quy trình biên soạn, thẩm định dạy mẫu, lấy ý kiến đóng góp.
Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang ráo riết sửa đổi Thông tư 33 về quy trình biên soạn xuất bản SGK. Chủ trương là không đợi các nhóm tác giả, các NXB mang các bộ SGK đến thì tổ chức thẩm định mà sẽ giám sát, đồng hành ngay từ đầu. Theo Bộ trưởng, tuy là xã hội hóa nhưng quan điểm của Bộ GD&ĐT là không chỉ phó thác cho các NXB và nhóm tác giả.
Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT nâng cao yêu cầu, tiêu chuẩn của các thầy cô, nhà khoa học tham gia soạn sách và những người tham gia biên soạn sẽ không được tham gia thẩm định. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết Bộ GD&ĐT đang nghiên cứu có thể ghi tên Hội đồng thẩm định vào SGK, gia tăng áp lực cho những người chịu trách nhiệm.
Tỷ lệ thực nghiệm SGK từ 10 - 20%
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (đoàn Bình Định) nêu ý kiến tranh luận: Bộ trưởng khẳng định chương trình GDPT mới là đúng hướng; tuy nhiên để đánh giá hiệu quả chương trình GDPT bắt buộc phải qua SGK mà SGK hai năm vừa qua chỉ đưa vào áp dụng đại chà thực hiện theo quy trình rút gọn, đó là dạy thực nghiệm 10% số tiết học. Vậy theo Bộ trưởng có cần quy trình bất di bất dịch đối với quyết định sử dụng SGK trong tương lai không? Bộ trưởng có nghiên cứu khách quan tổng kết sử dụng SGK trong thời gian qua hay chưa?
 Trả lời ý kiến trên, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, SGK đang biên soạn và sử dụng để phục vụ triển khai chương trình GDPT năm 2018, có sự khác nhau về tính chất và cách thức sử dụng so với SGK trước đây.
Theo chương trình GDPT năm 2018 thì SGK chỉ là học liệu. Đấy là căn cứ để xã hội hóa nên mới có nhiều bộ SGK khác nhau. Tuy nhiên, quan điểm của Bộ, dù là chương trình hay học liệu thì những gì đưa vào các nhà trường phải chuẩn mực, khoa học và có tính sư phạm. Chủ trương của Bộ GD&ĐT luôn là cố gắng có những sản phẩm SGK tốt nhất.
Còn tài liệu đó về mặt khoa học, chính xác, đúng sai như thế nào thì trách nhiệm thuộc về hội đồng thẩm định. Trong thông tư trước thì không nói rõ tỉ lệ thực nghiệm sách là bao nhiêu, nên Bộ GD&ĐT đã sửa và đang lấy ý kiến góp ý của xã hội.
Theo dự thảo này, Bộ GD&ĐT đã quy định cụ thể tỷ lệ thực nghiệm sách tối thiểu là 10 – 15 – 20% căn cứ theo dung lượng, nội dung của các bộ SGK. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết Bộ sẽ xem xét kĩ trước khi ban hành thông tư này.

Valid: True