Tranh luận về vấn đề xung quanh trạm thu phí BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài, đại biểu Nguyễn Hải Trung (Đoàn TP Hà Nội) cho biết, hiện nay có nhiều ý kiến phản đối trạm thu phí BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài, hoạt động cả trên không gian mạng và cả trên thực địa, gây phức tạp về an ninh trật tự.
Hàng ngày, hàng giờ, lực lượng công an đã phải xử lý giải quyết các vụ việc rất phức tạp. Do đó, đại biểu Nguyễn Hải Trung đề nghị Bộ trưởng trong thời gian tới cho rà soát, nhưng cần cho biết cụ thể rà soát đến bao giờ và lúc nào thì dừng, lý do tại sao đến lúc đó mới dừng để trả lời cho nhân dân, cử tri biết.
Đối với phát biểu tranh luận của đại biểu Nguyễn Hải Trung, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, dự án BOT Bắc Thăng Long-Nội Bài hiện nay chỉ có 2 giải pháp. Nếu kết thúc sớm, trước khi kết toán theo hợp đồng để nhà đầu tư thu hồi được vốn, có lợi nhuận theo quy định của Nhà nước cần cho phép nhà đầu tư thu phí để giám sát và kết thúc.
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, đây là giải pháp mà hiện nay đang làm. Về giải pháp thứ hai là phải mua lại một phần. Bởi, theo hợp đồng đã ký, qua giám sát, đến thời điểm này, nhà đầu tư chưa thu hồi toàn bộ, nếu kết thúc sớm thì cần có giải pháp cho nhà đầu tư.
Đại biểu Vũ Xuân Hùng (đoàn Thanh Hóa) cho biết, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, trong 360km đường cao tốc Bắc - Nam hoàn thành trong năm 2022 và phải trước tiến độ là 3 tháng. Tại cuộc kiểm tra của Thủ tướng Chính phủ tại cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn, yêu cầu của Chính phủ đặt mục tiêu trong năm 2024 hoàn thành 650 km đường cao tốc.
Tuy nhiên, đại biểu Vũ Xuân Hùng nêu rõ, các đại biểu rất quan tâm hiện nay giá xăng dầu và sắt thép đều tăng cao. Hiện tại giá các gói thầu so với giá lúc trúng thầu cao tốc Bắc - Nam tăng từ 20% đến 30%. Nguồn vật liệu hiện nay rất thiếu hụt.
Đại biểu Vũ Xuân Hùng cho biết, trong 6 dự án cao tốc, hiện vẫn còn thiếu hụt đến 12,5 triệu mét khối. Đối với các dự án này, tuy các địa phương đã có quy hoạch nhưng nguồn cung cấp vật liệu rất khan do việc găm hàng, ép giá và vấn đề tăng giá đã làm ảnh hưởng đến nguồn cung vật liệu cho các dự án này.
Với trách nhiệm của Bộ trưởng, Tư lệnh ngành chỉ đạo mục tiêu hoàn thành cao tốc Bắc - Nam trong năm 2022, mục tiêu đến năm 2024, đại biểu Vũ Xuân Hùng cũng như các đại biểu quan tâm đề nghị Bộ trưởng cho biết thêm giải pháp cụ thể để bảo đảm tiến độ này?
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nêu rõ, đối với cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 1, hiện nay Bộ GTVT đang triển khai 10 dự án, trong đó có 4 dự án sẽ hoàn thành trong năm 2022 và tiến độ bình quân hiện nay đạt được 58%. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo sẽ rút ngắn thời gian 3 tháng, tuy nhiên, trên thực tế có một số dự án rút ngắn được 3 tháng nhưng có một số dự án do vướng mắc nên chưa điều chỉnh được.
Bộ trưởng cũng khẳng định, hiện nay, Bộ GTVT đang giám sát chặt chẽ tiến độ. Hiện nay, dự án Phan Thiết-Vĩnh Hảo đạt được tỷ lệ khoảng gần 40%, phấn đấu đến ngày 30/6 đạt được tỷ lệ khoảng 50,8%, sau 30/6 chỉ còn lại các lớp đá, thảm nhựa. Do đó, nhà nhà thầu cũng như Ban QLDA sẽ đảm bảo được tiến độ.
Về tuyến Dầu Giây-Phan Thiết hiện nay đạt được tỷ lệ 45%, cố gắng tập trung hoàn chỉnh phần nền đất trong tháng 6, để tháng 7 và tháng 8 tập trung thảm nhựa. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hiện nay đã họp giao ban hàng tháng, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành là Trưởng ban chỉ đạo, các công trình trọng điểm đều họp kiểm điểm tiến độ. Trong mỗi buổi họp kiểm điểm tiến độ sẽ xem xét trong một tháng làm được những gì, chậm những gì, lý do và đưa ra giải pháp....
Đối với Bộ GTVT, hàng tuần, các Thứ trưởng phải đi công trường, nửa tháng Bộ GTVT sẽ họp một lần để kiểm tra, giám sát tiến độ nhằm kịp thời giải quyết các khó khăn. Hiện nay, Bộ GTVT đang phấn đấu để cuối năm 2022 sẽ đưa 361km của các đoạn này theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, hiện nay còn nhiều khó khăn liên quan đến thời tiết bất lợi, vật giá tăng,…tất cả dự án lớn đều có điều chỉnh giá, do đó, các nhà thầu sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan. Bộ GTVT cũng sẽ tham mưu để có thông báo giá cho các địa phương có điều chỉnh kịp thời, thanh toán kịp thời những khối lượng để giảm đi các chênh lệch.
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, 4 dự án của năm 2022 đã đạt được 38%. Có thể thấy, giai đoạn 1 có nhiều khó khăn nhưng đến thời điểm hiện nay, Bộ GTVT và các Bộ, ngành đã tham mưu cho Chính phủ về các giải pháp, cơ bản đảm bảo đúng tiến độ theo nghị quyết của Quốc hội, theo nghị quyết của Chính phủ.