Cần tháo gỡ vướng mắc trong thị trường lao động
Sáng 6/6, tại phiên chất vấn của Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV, đặt câu hỏi chất vấn với Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội (LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Dung, đại biểu Quốc hội Tráng A Dương (Đoàn tỉnh Hà Giang) nêu thực trạng về tình trạng lao động mất việc làm và rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần đã ảnh hưởng rất nhiều đến an sinh xã hội. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng nêu quan điểm có nên thành lập một quỹ nhằm giúp người lao động ổn định cuộc sống?.
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Trần Ngọc Dung cho biết, thời gian qua, tình hình rút BHXH một lần có gia tăng, đặc biệt tăng nhiều sau đại dịch Covid-19. Bộ trưởng cho rằng, cần tìm ra nguyên nhân và giải pháp cụ thể cho tình trạng này.
Về việc thành lập Quỹ hỗ trợ người lao động, Bộ trưởng cho rằng đó là một trong các giải pháp, bên cạnh nhiều giải pháp khác trong tháo gỡ vướng mắc cho thị trường lao động. Bộ trưởng cho biết, có nhiều phương pháp khác cần được thực hiện, triển khai đồng bộ, phương án lập Quỹ cần được rà soát, nghiên cứu, đánh giá tác động kỹ lưỡng. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ ghi nhận và nghiên cứu kỹ phương án này.
Tham gia chất vấn, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Cầm (Đoàn tỉnh Tiền Giang) đề nghị Bộ trưởng cho biết, việc sửa Luật BHXH sắp tới sẽ khắc phục như nào những tồn tại vẫn còn về chênh lệch tỉ lệ hưởng lương hưu giữa phụ nữ và nam giới? Giải pháp căn cơ trong sửa luật để giải quyết thực tế lao động nữ trẻ rút bảo hiểm xã hội một lần?.
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, số rút BHXH một lần bình quân một năm là trên 500 nghìn, năm 2023 là trên 900 nghìn. Đây là nguy cơ nếu không hạn chế giảm bớt thì nguy cơ khó đảm bảo được an sinh xã hội cho người già.
3 nguyên nhân chính
Phân tích nguyên nhân tăng rút BHXH một lần, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: do đời sống, thu nhập thấp gây khó khăn nên người lao động rút. Tuyệt đại bộ phận rút BHXH một lần rơi vào công nhân lao động, đội ngũ công chức viên chức rất ít. Đối tượng rút tăng ở khu vực công nhân và khu vực phía Nam chiếm 72%.
Nguyên nhân nữa là do Việt Nam có cơ chế rút BHXH một lần dễ không quốc gia nào có. Điều 60 Luật BHXH năm 2014 rất nhân văn, quy định 4 nội dung về điều kiện rút BHXH một lần. Nhưng khi Luật chưa có hiệu lực, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 93/2025 cho phép rút BHXH một lần, ai có nhu cầu thì rút.
"Tôi đã mời chuyên gia của Hàn Quốc sang tư vấn cách khắc phục thì chuyên gia này nói rằng Việt Nam quá hào phóng trong việc cho rút BHXH một lần nên chữa lại khó. Thông lệ quốc tế chỉ có rút trong 2 trường hợp, một là mắc bệnh nan y, hai là chuyển sang định cư ở nước ngoài", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ.
Theo Bộ trưởng, quy định cho rút thì công dân rút BHXH một lần là quyền của họ, không thể cấm. Bên cạnh đó, quyền lợi khi rút rất cao. Cá nhân khi đóng BHXH chỉ phải đóng 8% nhưng khi rút lại được hưởng toàn bộ quyền lợi từ phần đóng của nhà nước và doanh nghiệp. Vì thế, nhiều trường hợp thấy rút tốt hơn thì rút sau đó lại đóng. Có thể thấy, "Không phải tất cả khi rút BHXH một lần đều không quay lại đóng mà có tới 1/3 người sau khi rút quay trở lại tiếp tục tham gia", Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH nêu.
Nguyên nhân tiếp theo là do công tác tuyên truyền vận động chưa được thực hiện tốt. Dẫn chứng cho điều này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, ở Thành phố Hồ Chí Minh hay Đồng Nai làm rất tốt việc này. Ở Thành phố Hồ Chí Minh khi 10 người đi rút được thuyết phục, vận động thì 6 người quay về không rút nữa.
Về giải pháp, Bộ trưởng cho rằng cần tính toán căn cơ, khi sửa Luật BHXH theo hướng tăng quyền lợi, không hạn chế quyền lợi của người lao động. Tại Kỳ họp tới, Quốc hội sẽ bàn các phương án khác nhau để có những quy định xử lý vấn đề rút bảo hiểm xã hội một lần hiệu quả nhất.
Người lao động rút BHXH một lần là bất đắc dĩ
Tranh luận về phần trả lời chất vấn này, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Phong (Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng trả lời các đại biểu, Bộ trưởng đã nêu rõ một trong nguyên nhân khiến người lao động rút BHXH một lần là do tình hình doanh nghiệp khó khăn, đứt gãy cung cầu khiến người lao động gặp nhiều khó khăn.
Bộ trưởng cũng nêu một trong các giải pháp là sửa đổi Luật BHXH, thắt chặt lại quyền lợi của người tham gia BHXH. Tuy nhiên, đại biểu Lê Thanh Phong cho rằng giải pháp căn cơ để giải quyết tình trạng này là phải giải quyết tình trạng người lao động bị nghỉ việc, mất việc khiến cuộc sống của người lao động gặp khó khăn.
Cũng tham gia tranh luận về nội dung này, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (Đoàn Thành phố Hà Nội) cho rằng, con số người lao động rút BHXH một lần thời gian qua rất đáng quan ngại. Tuy nhiên, việc người lao động rút BHXH một lần thường là bất đắc dĩ và là nguyện vọng thực sự của họ nên cần được tôn trọng, nhưng cũng cần phải có giải pháp để đảm bảo Quỹ bảo hiểm này được ổn định.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí đồng tình với việc giải quyết theo hướng đảm bảo quyền lợi cho người gửi và giữ tính ổn định của Quỹ. Để làm được điều này, đại biểu Trí đề xuất cân nhắc phương án trong 5 năm đầu tiên nếu người đóng rút thì chỉ được trả lại bằng đúng số tiền đã đóng và gia tăng dần quyền lợi cho người đóng trong những năm tiếp theo.