Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH: Tập trung đào tạo nghề, phát triển lao động ngành du lịch

Thái San
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Bộ VHTT&DL phối hợp với Bộ LĐTB&XH xây dựng đề án phát triển lao động ngành du lịch vừa đào tạo dài hạn vừa trước mắt; vừa học văn hóa vừa học nghề” - Bộ trưởng LĐTB&XH Đào Ngọc Dung nêu giải pháp tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, chiều 10/8.

Phải đánh giá toàn diện nhân lực du lịch

Theo đại biểu Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận), trong đại dịch Covid-19, tình hình dịch chuyển lao động ở ngành du lịch rất lớn. “Để du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn thì du lịch là yếu tố hàng đầu. Bộ có kế hoạch đào tạo lại lực lượng lao động trong ngành du lịch như thế nào” - đại biểu Nguyễn Hữu Thông đặt câu hỏi.

Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng thừa nhận sau dịch bệnh, nhân lực du lịch có sự dịch chuyển
Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng thừa nhận sau dịch bệnh, nhân lực du lịch có sự dịch chuyển

Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng thừa nhận sau dịch bệnh, nhân lực du lịch có sự dịch chuyển. Tâm lý nhân lực ngành du lịch là khi dịch bệnh xảy ra, họ sẽ chịu tổn thương lớn nhất. Công nhân vẫn có thể sản xuất, có lương, nhưng ngành du lịch đóng cửa hoàn toàn không thể hoạt động. Vì vậy, nhiều lao động chuyển sang ngành khác nên khi du lịch phục hồi thì nhân lực thiếu hụt.

Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng cho rằng, cần đánh giá toàn diện về nguồn nhân lực du lịch. Trước mắt, các đơn vị sẽ tập trung đào tạo, công ty lữ hành lớn đang khắc phục bằng cách tuyển chọn sinh viên các trường du lịch, đưa về trực tiếp hướng dẫn, thực hành để bù đắp thiếu hụt. "Căn cơ hơn, cần nâng cao chất lượng đào tạo ngành du lịch, nhất là nhân lực cấp cao, quản trị du lịch, lao động ngành nghề; đa dạng hóa hình thức đào tạo; chú ý liên kết đào tạo” - Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng cho biết.

Giải pháp nào đào tạo nghề ngành du lịch?

Cùng tham gia giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, thời gian vừa qua, ngành lao động đã tập trung cùng ngành văn hóa để tạo chuyển biến về vấn đề lao động, việc làm trong ngành du lịch. Theo kết quả thống kê, đến nay có 19,8 triệu người làm trong lĩnh vực du lịch, tăng cao so với quý trước. Gần đây, thị trường lao động trong lĩnh vực du lịch đang tăng trưởng mạnh mẽ trở lại. Các chính sách mở cửa, hỗ trợ theo Nghị quyết 30 của Quốc hội, nhất là từ tháng 3/2022 đã tạo cú hích quan trọng để tạo khu vực du lịch, dịch vụ, tạo đà tăng trưởng, phát triển cao.

Theo Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung, thời gian vừa qua, ngành lao động đã tập trung cùng ngành văn hóa để tạo chuyển biến về vấn đề lao động, việc làm trong ngành du lịch
Theo Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung, thời gian vừa qua, ngành lao động đã tập trung cùng ngành văn hóa để tạo chuyển biến về vấn đề lao động, việc làm trong ngành du lịch

Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH cũng cho biết, chúng ta đã có nhiều chính sách nhằm phục hồi lao động lĩnh vực du lịch, dịch vụ, các chính sách giữ chân, thu hút người lao động quay trở lại, hỗ trợ đào tạo lực lượng lao động tại chỗ. Bộ LĐTB&XH đã ban hành danh mục đào tạo cấp độ 4, trình độ cao đẳng và trung cấp. Thực tiễn, trong thời gian qua, các học viên tham gia Hội thi tay nghề quốc tế của ASEAN đều đạt kết quả cao. Hiện nay, chúng ta đang áp dung mô hình vừa học vừa làm, học văn hóa trong các cơ sở nghề, học nghề trong các cơ sở văn hóa.

Về giải pháp căn cơ trong vấn đề này, Bộ trưởng chỉ ra 7 nhóm giải pháp, cụ thể: Đào tạo kiến thức, kỹ năng chuyên môn, năng lực tự chủ và thích ứng dần kỹ năng mới; triển khai mạnh mẽ hệ thống tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia và khu vực, tiến tới công nhận Bộ tiêu chuẩn nghề ASEAN được Tổ chức thi cấp Chứng chỉ nghề quốc gia ASEAN hướng tới các hoạt động du lịch hướng dẫn bài bản, chuyên nghiệp, đủ năng lực cạnh tranh; có chính sách thu hút nhân lực và học, làm việc đi đôi với nâng cao năng lực hệ thống đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nâng cao chất lượng; quy hoạch liên kết đồng bộ giữa Trung ương, địa phương, các ngành gắn kết doanh nghiệp lữ hành với nhà trường; phát triển du lịch, đa dạng hóa các hình thức học tập, đào tạo, mở rộng địa bàn đào tạo; tuyên truyền, tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên…

Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH, cần áp dụng một số chính sách ngắn hạn tập trung đào tạo nghề cho người lao động. Bộ VHTT&DL phối hợp với Bộ LĐTB&XH xây dựng đề án phát triển lao động ngành du lịch vừa đào tạo dài hạn vừa trước mắt; vừa học văn hóa vừa học nghề.