Dù non trẻ nhưng BHXH Việt Nam có 8/9 loại hình bảo hiểm
Chiều 27/5, sau phần thảo luận về Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) phát biểu giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận, thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) Đào Ngọc Dung cảm ơn các ý kiến đại biểu phát biểu tâm huyết, đóng góp nhiều nội dung quan trọng và khẳng định, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ phối hợp với cơ quan thẩm tra tiếp thu tối đa các ý kiến, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, Bảo hiểm xã hội (BHXH) ở Việt Nam còn rất non trẻ (mới 29 năm) trong khi các quốc gia trên thế giới, chính sách này đã được triển khai vài trăm năm. Mặc dù vậy, Việt Nam đã có 8/9 loại hình BHXH, cơ bản phát triển tốt và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Theo Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH, chính sách BHXH được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị, sự lãnh đạo, chỉ đạo của các địa phương và được sự ủng hộ của người dân, người sử dụng lao động. Bên cạnh đó là sự nỗ lực rất lớn của đội ngũ cán bộ công nhân viên của hệ thống BHXH.
Cộng hai phương án rút BHXH một lần thì nhược điểm nhiều hơn
Làm rõ một số nội dung đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, nội dung liên quan đến quy định hưởng BHXH một lần là vấn đề nhạy cảm nhất trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) và cũng là vấn đề phức tạp nhất. Trên cơ sở Nghị quyết 28-NQ/TW của Trung ương với mục tiêu thực hiện được mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội lâu dài của đất nước để khi người già về hưu đều có lương, có bảo hiểm y tế. Cùng với đó cũng phải quan tâm đến đời sống thực tế bây giờ của người lao động, vì nguyện vọng của một bộ phận người lao động muốn rút BHXH.
Với các mục tiêu trên, Chính phủ đã đưa ra hai phương án (qua nhiều lần tham vấn các tổ chức quốc tế, tổ chức các hội thảo, hội nghị), đến ngày 25/5/2024, Chính phủ tiếp tục cho ý kiến về nội dung này và thấy rằng không có phương án nào khác ngoài 2 phương án nêu trong Dự thảo Luật.
Qua nghiên cứu các ý kiến đề xuất, cơ quan soạn thảo cũng tính toán đến tích hợp hai phương án như một số đại biểu phân tích. Theo đó người đang đóng được hưởng tiếp như phương án 1; người đóng sau này thì hưởng theo phương án 2. "Tuy nhiên, sau khi xem xét, các chuyên gia đánh giá thấy rằng, nếu cộng hai phương án thì cộng nhược điểm nhiều hơn là cộng ưu điểm" - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Từ thực tế đó, Chính phủ tiếp tục trình Quốc hội đề nghị cho lựa chọn một trong hai phương án Chính phủ trình. Ngoài ra, từ Kỳ họp thứ 6 đến nay, cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo đã lấy ý kiến tác động rộng rãi, trong đó qua báo cáo của 5 địa phương có tỷ lệ rút BHXH một lần, tuyệt đại bộ phận ý kiến đều chọn phương án 1, rất ít người đề xuất phương án 2.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng tán thành với ý kiến đại biểu cho rằng, cùng với việc có chính sách hạn chế cho rút BHXH một lần, chúng ta có nhiều giải pháp, trong đó có các chính sách hỗ trợ người lao động về vay vốn, tín dụng...
Áp dụng lương hưu ở mức cao nhất có thể
Trước băn khoăn của đại biểu về việc bỏ khái niệm “mức lương hưu thấp nhất”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung giải thích, mức này chỉ đúng ở thời điểm nhất định. Việc bỏ mức lương hưu thấp nhất không có nghĩa là không còn người tham gia BHXH ở mức thấp hơn. Đóng thấp hưởng thấp, nhưng thấp còn hơn không, điều quan trọng là có bảo hiểm y tế.
Liên quan đến cải cách tổng thể chính sách tiền lương từ 1/7/2024, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH cho rằng, cái khó nhất của cải cách tiền lương là không có tiền, nhưng lần này đã có. Đây cũng là vấn đề mới, phức tạp, cốt lõi là trả lương theo vị trí việc làm nên phải xác định được vị trí việc làm. Trong khi đó, vị trí việc làm phải bảo đảm tính ổn định, lâu dài và thường xuyên. Việc quy định mức tham chiếu thay mức lương cơ sở, bản chất không có vấn đề gì, không phải vấn đề lớn.
Đối với vấn đề hưu trí, Thường trực Chính phủ đã họp và Bộ LĐTB&XH đã đề xuất người hưởng lương hưu từ 1/7/2024 khi thực hiện cải cách tiền lương với công nhân viên chức thì cũng áp dụng ở mức cao nhất có thể.
Liên quan đến ý kiến đề xuất tăng các chính sách về thai sản, ốm đau... Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH cho rằng các ý kiến rất phù hợp, xác đáng, đúng với thực tế, đúng với nhu cầu và cần phải ghi nhận. Tuy nhiên, ngay trong quá trình soạn thảo Dự thảo Luật, chúng ta đã đưa rất nhiều chính sách tân tiến hơn, nhiều chính sách tốt hơn so với Luật BHXH năm 2014. Nếu tiếp tục tăng quỹ ốm đau thai sản thì ngân sách hiện nay chưa thể bảo đảm, do vậy trong giai đoạn trước mắt cần bảo đảm hài hòa giữa chính sách, quyền lợi với khả năng cân đối của quỹ, giữa khả năng chi và thu.
Giải trình nội dung liên quan đến mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, Nghị quyết 28 nêu rõ, phấn đấu tới tiến tới BHXH toàn dân, đa tầng; Nghị quyết 42 cũng nêu đến năm 2030 đạt độ bao phủ là 60%, vì vậy việc mở rộng BHXH là tất yếu.
Theo Bộ trưởng những đối tượng nào đã rõ, đã đủ điều kiện, chúng ta quy định ngay trong Luật này. Đối với đối tượng là hộ kinh doanh cá thể, qua lấy ý kiến cho thấy, tham gia bảo hiểm bắt buộc là phù hợp. Hơn nữa, trên thị trường lao động linh hoạt, chuyển biến nhanh, một người có nhiều quan hệ lao động khác nhau.