Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bộ trưởng Bộ Nội vụ lý giải nguyên nhân công chức, viên chức nghỉ việc nhiều

Thái San
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Việc công chức, viên chức dịch chuyển từ khu vực công sang khu vực tư là yếu tố khách quan trên cơ sở điều tiết của thị trường lao động theo quy luật tất yếu của kinh tế thị trường…” - Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu trước Quốc hội
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu trước Quốc hội

Chiều 27/10, giải trình thêm về những vấn đề các đại biểu Quốc hội đề cập đến liên quan đến vấn đề công chức, viên chức nghỉ việc tại hội trường, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, công chức, viên chức nghỉ việc trong hai năm diễn ra đại dịch là thách thức chung của nhiều quốc gia trên thế giới. Anh, Pháp, Mỹ , Úc và các nước khối ASEAN cũng đều phải đối mặt với vấn đề này.

Về nguyên nhân, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh, Việt Nam đang tập trung phát triển thị trường lao động đồng bộ, hiện đại, đầy đủ, hội nhập nhằm đạt tới một thị trường lao động vận hành theo quy luật khách quan của kinh tế thị trường, nhất là quy luật cung cầu. Đồng thời thị trường lao động đòi hỏi khả năng kết nối, vận hành đồng bộ, tương tác thông suốt giữa các khu vực, các vùng trong cả nước, giữa nông thôn với thành thị, giữa khu vực công với khu vực tư, với các nước trong khu vực và quốc tế.

Quang cảnh kỳ họp
Quang cảnh kỳ họp

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, người lao động có cơ hội bình đẳng trên thị trường lao động, được tự do lựa chọn việc làm, tự do dịch chuyển trên thị trường lao động. Việc công chức, viên chức dịch chuyển từ khu vực công sang khu vực tư là yếu tố khách quan trên cơ sở điều tiết của thị trường lao động, theo quy luật tất yếu của kinh tế thị trường, góp phần thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu lao động phù hợp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế của nước ta. Đồng thời tạo động lực để thúc đẩy nhanh hơn sự cạnh tranh lành mạnh, công bằng giữa thị trường lao động ở khu vực công và khu vực tư.

Cùng với đó, trong quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và phát triển các thành phần kinh tế, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách phát triển kinh tế tư nhân, thúc đẩy xã hội hóa dịch vụ công, trong đó có dịch vụ y tế, giáo dục ngoài công lập phát triển khá mạnh ở khu đô thị, tạo cơ hội cho người lao động ra vào trong khu vực công và khu vực tư thường xuyên theo quy luật cung cầu lao động cũng như yêu cầu xu thế của tự chủ, xã hội hóa khu vực sự nghiệp công.

Nêu giải pháp chủ yếu cho vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà xác định trong thời gian tới cần tập trung cải cách đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả việc thực hiện cải cách chính sách tiền lương.