Bộ trưởng Bộ Nội vụ: Tinh giản biên chế tạo nguồn lực để tăng lương

Việt An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, tinh giản bộ máy đã giúp tiết kiệm được nguồn kinh phí lớn để tạo nguồn lực thực hiện cải cách chính sách tiền lương.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trả lời chất vấn. Ảnh: Quochoi.vn
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trả lời chất vấn. Ảnh: Quochoi.vn

Chiều 4/11, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thứ 3 – lĩnh vực nội vụ. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đăng đàn trả lời chất vấn.

Tại phiên chất vấn, ĐB Tao Văn Giót (Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu) cho biết, một trong những mục tiêu tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, tiết kiệm, giảm chi phí thường xuyên, cải cách chính sách tiền lương.

ĐB Tao Văn Giót đề nghị Bộ trưởng cho biết trong giai đoạn vừa qua, việc tinh giản biên chế có tác động thế nào đến việc thực hiện cải cách tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức, đảm bảo đời sống cho cán bộ, công chức, viên chức?

ĐB Tao Văn Giót (Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu) đặt câu hỏi. 
ĐB Tao Văn Giót (Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu) đặt câu hỏi. 

ĐB cũng cho biết, việc tinh giản biên chế trong giai đoạn vừa qua còn tình trạng tinh giản biên chế cơ học, “cào bằng” giữa các địa phương, đơn vị, lĩnh vực, dẫn đến thiếu cục bộ một số lĩnh vực, địa phương. Đề nghị Bộ trưởng cho biết đâu là nguyên nhân chính, giải pháp giải quyết vấn đề này trong thời gian tới thế nào và bao giờ thì giải quyết được?

Trả lời ĐB, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đánh giá đây là câu hỏi rất hay. Đối với vấn đề tinh giản biên chế tác động tới cải cách tiền lương, trong thời gian qua, chúng ta giảm tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp, giảm biên chế để cải cách hệ thống tổ chức bộ máy, cải cách đội ngũ công chức viên chức.

Bộ trưởng cho biết, giai đoạn 2019-2021 đã tiết kiệm hơn 25.600 tỷ đồng, nguồn này được đưa vào cải cách tiền lương.

Công tác này có tác động lớn, giúp tạo điều kiện nâng lương cho đội ngũ, tiết kiệm được nguồn kinh phí lớn để tạo nguồn lực thực hiện cải cách chính sách tiền lương. Công tác này sẽ còn được đẩy mạnh thực hiện trong thời gian tới để có nguồn lực cải thiện đời sống người lao động khu vực công.

Về vấn đề tinh giản biên chế, Bộ trưởng cũng cho biết, trong thời gian qua đã có sự nỗ lực vượt bậc trong việc tinh gọn bộ máy, giảm số người hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, cũng có tình trạng cào bằng, giảm theo hướng cơ học ở một vài nơi.

Theo Bộ trưởng, trong quá trình cơ cấu đội ngũ, thực hiện tinh giản, bước đầu phải thực hiện theo cách cơ học, giao chỉ tiêu. Trước đó, nhiều năm chúng ta không đạt được con số 10% này. Hiện nay, tuy có tồn tại, hạn chế khi có nơi, có lúc còn xảy ra tình trạng cào bằng, tuy nhiên, nhìn chung việc tinh giản biên chế, bộ máy đã đạt được mục tiêu đề ra.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trả lời chất vấn. 
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trả lời chất vấn. 

Tham gia chất vấn tại phiên họp, ĐB  Thái Thị An Chung (Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An) cho biết việc sát nhập xã, thôn trong giai đoạn vừa qua đã làm giảm số lượng lớn thôn, xóm.

Tuy nhiên, việc tăng quy mô dân số, diện tích tự nhiên trong khi số lượng cán bộ thì giảm, do đó làm tăng khối lượng công việc cũng như làm tăng áp lực cho cán bộ không chuyên trách ở xã, thôn nhưng mà chế độ phụ cấp vẫn thực hiện như trước khi sát nhập. Việc quyết định mức phụ cấp cho cán bộ không chuyên trách ở xã, thôn là thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nhưng các tỉnh không thể tăng mức phụ cấp này do Nghị định 34 của Chính phủ.

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết khi nào trình Chính phủ xem xét sửa đổi Nghị định 34? Trong thời gian chờ sửa đổi Nghị định 34, Bộ trưởng có đề xuất giải pháp như nào để tăng phụ cấp cho cán bộ không chuyên trách ở xã, thôn?

Trải lời chất vấn đại biểu liên quan đến cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ, công chức không chuyên trách cấp xã, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, hiện nay có hai chế độ công vụ: chế độ công vụ từ cấp huyện trở lên và chế độ công vụ cấp xã.

Các chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức cấp xã không có sự thay đổi lớn so với cán bộ, công chức cấp huyện trở lên, chỉ khác nhau về ngạch, còn cán bộ, công chức cấp xã trả lương theo trình độ đào tạo.

Đối với đội ngũ không chuyên trách, thời gian vừa qua khi thực hiện Nghị quyết 18 của Ban chấp hành Trung ương khóa 12, cơ cấu gọn hơn, theo đó số lượng cán bộ không chuyên trách ở cấp xã giảm đi nên đang thực hiện khoán kinh phí hoạt động đội ngũ không chuyên trách ở cấp xã và khoán đội ngũ không chuyên trách ở thôn.

Bộ trưởng cho biết, thực tế có bất cật nên đã nghiên cứu rất kỹ, đánh giá tác động một cách đầy đủ, toàn diện Nghị định 34 và nhận thấy nhiều bất cập cần sửa đổi. Hiện dự thảo đã lấy ý kiến lần 1 đối với 63 tỉnh, thành. Sau kỳ họp Quốc hội này, Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu, rà soát và xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ, báo cáo cấp có thẩm quyền để xem xét phù hợp hơn.

Bộ trưởng cho biết, sửa Nghị định 34 theo hướng phân cấp cho các địa phương căn cứ vào tổng số cán bộ, công chức của cấp xã cũng như cán bộ không chuyên trách các xã, thôn, tổ dân phố, căn cứ vào nguồn ngân sách của địa phương bố trí đủ số lượng người làm việc.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần