Bộ trưởng Bộ Tài chính: Nếu đề xuất được thông qua, sẽ có khoảng 1 triệu tỷ đồng “ném” vào nền kinh tế

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ đang tham mưu Chính phủ gói kích cầu bằng hỗ trợ lãi suất với 20,000 tỷ/năm, để huy động khoảng 1 triệu tỷ đồng đưa vào nền kinh tế.

 Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc
Các gói kích cầu này thiết kế theo hướng nếu hỗ trợ lãi suất 4% thì sẽ có 1 triệu tỷ đồng “ném vào” nền kinh tế, góp phần tạo việc làm, thúc đẩy sản lượng và tăng thu, giảm bội chi ngân sách.
Khó khăn nhưng thu nội địa vẫn tăng
Giải trình trước Quốc hội tại buổi thảo luận kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, năm nay, ngân sách đã thu tăng lên 7.200 tỷ đồng từ phát sinh của năm 2020 trở về trước, như truy thu thuế nhà thầu của Formosa được 2,257 tỷ, xử lý thu chênh lệch giá khí trong bao tiêu sản phẩm 2.457 tỷ, thu ngân sách đối với các khoản khác là 2.500 tỷ.
"Đặc biệt phát sinh đột biến là 2.997 tỷ tiền thuê đất của Đại sứ quán Mỹ", Bộ trưởng nói.
Như vậy, Bộ trưởng cho rằng nhiệm vụ thu chi ngân sách năm 2021 có thể nói là đã hoàn thành. Bội chi cũng đảm bảo quy định 4% của Quốc hội.
Một số khoản thu quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp tăng lên 22.800 tỷ đồng như chứng khoán, bất động sản, khối tài chính, ngân hàng và hoạt động sáp nhập, chuyển nhượng vốn và các hoạt động lắp ráp xe ôtô. Thu dầu thô cũng tăng lên 12.000 tỷ. Thu xuất, nhập khẩu tăng lên 10.500 tỷ.
Rút kinh nghiệm về việc hỗ trợ lãi suất năm 2009 dẫn đến nợ xấu
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ đang tham mưu Chính phủ gói kích cầu bằng hỗ trợ lãi suất với 20.000 tỷ/năm, để huy động khoảng 1 triệu tỷ đồng đưa vào nền kinh tế.
“Chúng tôi đang tham mưu cho Chính phủ gói kích cầu thông qua hỗ trợ lãi suất, mỗi năm khoảng 20.000 tỷ đồng, 2 năm là 40.000 tỷ đồng. Nếu hỗ trợ 5 năm thì chúng ta có 1 triệu tỷ đồng đưa vào nền kinh tế. Sau đó, tạo việc làm, thúc đẩy kinh tế, tạo nguồn thu cho ngân sách, giảm bội chi cho giai đoạn sau”.
Đại diện Bộ Tài chính cũng cho biết sẽ rút kinh nghiệm việc hỗ trợ lãi suất năm 2009 dẫn đến nợ xấu, Bộ sẽ hạn chế đối tượng hỗ trợ cho vay, tập trung vào các đối tượng có khả năng đầu tư tăng thêm giá trị cho nền kinh tế, đặc biệt các đối tượng vay không có nợ xấu và đảm bảo đúng điều kiện vay, thủ tục đơn giản, quyết toán dễ dàng
Trả lời về việc nhiều đại biểu Quốc hội lo lắng thu ngân sách năm 2022 chỉ đạt 3,4% và tỷ lệ huy động là 95,1% thấp hơn so với kế hoạch, ông Phớc giải thích rằng có những giai đoạn đột xuất bất thường thì các cơ chế chính sách thay đổi, tốc độ thu ngân sách không tỷ lệ thuận với tốc độ tăng trưởng GDP. Bộ Tài chính cũng đã thảo luận với các bộ, ban ngành và các địa phương rất kỹ về vấn đề này.
“Thực tế giai đoạn 2011-2012, tăng trưởng phục hồi kinh tế là 5,12% thì thu ngân sách chỉ đạt 2,2%. Hay năm 2020, GDP tăng 2,91% nhưng thực tế thu nội địa chỉ đạt 1,6%; trong đó khu vực doanh nghiệp giảm 2% so với cùng kỳ,” ông Phớc đưa ra dẫn chứng.