Mở đầu phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết: Trong những năm qua, Bộ Tài chính đã nỗ lực để xây dựng các thể chế, chính sách, tạo mọi điều kiện để cho tài chính nhà nước phát triển, tài chính DN, tài chính dân cư phát triển, đóng góp cho phát triển của nền kinh tế. Hàng năm, những nghị định và thông tư của Bộ Tài chính tham mưu cho Chính phủ cũng chiếm khối lượng lớn, khoảng 26-30% tổng nghị định mà Chính phủ ban hành. Đây là vấn đề kiến tạo về chính sách.
Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng bày tỏ tinh thần cầu thị và lắng nghe ý kiến của đại biểu sẽ đặt ra trong phiên chất vấn.
Tại hội trường có 79 đại biểu đăng ký chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính về nhiều vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm quản lý chuyên ngành.
DN thực hiện thoái vốn nhưng thực hiện chưa triệt để
Là đại biểu đầu tiên đặt câu hỏi chất vấn, đại biểu Nguyễn Thị Lệ (đoàn TP Hồ Chí Minh) nhận định: Việc rà soát phương án sắp xếp, xử lý nhà đất, phê duyệt phương án sử dụng đất của DN, thực hiện cổ phần hóa gặp khó khăn, nhiều quy trình, thủ tục thời gian kéo dài do pháp lý đất đai phức tạp. Đặc biệt là việc xác định lợi thế giá trị quyền sử dụng đất, đối với đất thuê trả tiền hàng năm, đánh giá thương hiệu, sở hữu trí tuệ, giá trị văn hóa lịch sử được quy định tại Nghị định 32 để xác định giá khởi điểm khi thoái vốn nhưng có nhiều cách nghĩ còn khác nhau dẫn đến lúng túng khi thực hiện. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng sẽ xử lý vấn đề này như thế nào và giải pháp thời gian tới?
Đại biểu cũng cho rằng, một số DN thực hiện thoái vốn nhưng thực hiện chưa triệt để, công tác cổ phần hóa, thoái vốn của một số bộ, ngành địa phương còn một số hạn chế, đặc biệt liên quan đến đất đai, dẫn đến làm thất thoát vốn và tài sản của Nhà nước. Vậy quan điểm của Bộ trưởng Bộ Tài chính sẽ tham mưu với Chính phủ những biện pháp gì trong thời gian tới?
Đại biểu Nguyễn Thành Công (đoàn Ninh Bình) chất vấn: Tình hình cổ phần hóa, thoái vốn thời gian qua cho thấy công tác xử lý về đất đai gặp nhiều vướng mắc, trong đó có việc xác định thẩm quyền, phê duyệt phương án sử dụng đất, sắp xếp lại xử lý nhà đất, đặc biệt đối với DNNN có số lượng nhà đất lớn, nằm trên địa bàn nhiều địa phương có lịch sử pháp lý đất đai phức tạp. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng báo cáo giải trình tính hợp lý của phương án gắn xử lý sắp xếp nhà đất vào quy trình cổ phần hóa, thoái vốn.
Liệu đây có phải là một trong những nguyên nhân chính gây vướng mắc trong quá trình cổ phần hóa, thoái vốn trong khi công tác rà soát hiện trạng việc sử dụng đất là nhiệm vụ thường xuyên của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để bảo đảm hiệu quả sử dụng đất, tránh hoang hóa, lãng phí được thực hiện trước, trong và sau cổ phần hóa, giải pháp cho vấn đề này?
Đại biểu Nguyễn Minh Sơn (đoàn Tiền Giang) cũng đặt vấn đề, liên quan đến cổ phần hóa DN, Nghị quyết số 82/2019 QH14 nêu rõ, DN sau cổ phần hóa phải thực hiện đúng phương án sử dụng đất đúng phê duyệt trong phương án cổ phần hóa DN, việc chuyển mục đích sử dụng đất thực hiện sắp xếp, xử lý nhà đất của DN cổ phần hóa phải tuân thủ quy định, đảm bảo điều kiện, trình tự thủ tục quy định. Tuy nhiên, báo cáo của Bộ Tài nguyên Môi trường cho rằng nội dụng này chưa đồng bộ với quy định các điều 6, 52,57 và điều 58 của Luật Đất đai. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo rõ hơn vướng mắc khó khăn nếu có, đề xuất phương án xử lý.
Việc tính giá đất không sát giá thị trường tạo ra thất thoát
Trả lời các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, sắp xếp nhà đất là một trong những nút thắt của cổ phần hóa, doanh nghiệp cổ phần hóa, thoái vốn có quy mô lớn, sở hữu nhiều đất đai.
Theo đó, khi trình phương án sắp xếp tài sản công, UBND các tỉnh được giao thẩm quyền phê duyệt phương án, nhưng việc này triển khai rất chậm. Dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng lớn đến tình hình thị trường tài chính, chứng khoán trong nước và khu vực, ảnh hưởng đến công tác xác định giá trị doanh nghiệp, lập phương án sử dụng đất để thực hiện cổ phần hóa, triển khai công tác đấu giá phần vốn nhà nước theo quy định. Việc tính giá đất không sát giá thị trường tạo ra thất thoát tài sản nhà nước, chuyển sang tài sản tư nhân. Do đó, giải pháp trong thời gian tới là, việc chuyển mục đích sử dụng đất, doanh nghiệp sau cổ phần hóa phải tuân thủ quy hoạch, bảo đảm điều kiện, trình tự, thủ tục đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định. Kiên quyết thu hồi đất theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp vi phạm.
Đối với việc sửa đổi Nghị định 32, xác định vấn đề là lợi thế thương mại và đưa tiền thuê đất một lần vào giá trị của doanh nghiệp, qua các hội thảo, nhiều chuyên gia đánh giá là chưa hợp lý. Bởi đó không có tiêu chí chính xác để đánh giá giá trị lợi thế thương mại. Khi đưa vào giá trị của doanh nghiệp, thì hôm nay giá đất cao và ngày mai sẽ rẻ. Do đó, Bộ trưởng nêu rõ sẽ phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành liên quan để trình Chính phủ sửa đổi.
Bộ trưởng cũng thông tin, việc chuyển mục đích sử dụng đất, Bộ trưởng cho biết, Nghị quyết 60 năm 2018 không cho doanh nghiệp có nguồn gốc Nhà nước sau khi cổ phần hóa không được chuyển mục đích sử dụng đất. Nếu đấy không sử dụng cho sản xuất kinh doanh và không có nhu cầu nữa thì trả cho Nhà nước. Khi đó, Nhà nước sẽ đấu giá để thu tiền sử dụng đất hoặc chuyển khu đất đấy cho doanh nghiệp khác, cơ quan khác sử dụng.
Về vấn đề gắn việc sắp xếp nhà đất vào cổ phần hóa, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, nhà đất là tài sản của Nhà nước. Trước đây theo Nghị định 167, bây giờ là Nghị định 67, trước khi chuyển sang phải có sự sắp xếp, phần nào giữ lại, phần nào trả về cho Nhà nước và phần nào đưa vào trong giá trị cổ phần hoá hoặc để chuyển giao cho doanh nghiệp cổ phần hoá. Bộ trưởng cho rằng, trước khi cổ phần hoá phải sắp xếp để xác định tính hợp lý sử dụng.