ĐB Quốc hội Tao Văn Giót (đoàn tỉnh Lai Châu) nêu: Việc lợi dụng sim rác để tạo các tài khoản giả đăng tải những nội dung thông tin xấu độc, chống phá Đảng, Nhà nước và sử dụng ở các mục đích sai phạm khác. Điều này gây bức xúc trong xã hội và ảnh hưởng đến sự phát triển của giới trẻ. Đề nghị Bộ trưởng cho biết đến bao giờ môi trường mạng ở Việt Nam mới thật sự được quản lý chặt chẽ để môi trường mạng thật sự trở thành môi trường sạch?
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ, nếu nói xử lý triệt để SIM rác với nghĩa là bằng 0 thì trong cuộc sống khó có thể làm được, mà vẫn còn đó những tồn tại và tạo động lực để chúng ta làm tiếp. Chúng ta sẽ đưa về mức có thể chấp nhận được.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đưa ra số liệu thống kê, 100% SIM chưa đủ dữ liệu thông tin. Dữ liệu người dân dùng để đăng ký đã đúng chưa thì đạt được 1/4. Tiếp đó là làm rõ vấn đề SIM chính chủ hay chưa?
Bộ trưởng Bộ TT&TT nêu tiếp con số: 261 người mỗi người đăng ký trên 1 nghìn SIM, tổng số SIM đăng ký của số người này là 1,5 triệu, liệu có chính chủ không?; 5.700 người, mỗi người đăng ký trên 100 SIM, tổng số SIM là 2,8 triệu; 270 nghìn người, mỗi người đăng ký 10 SIM/10 SIM, tổng số SIM là 78 triệu.
Chúng tôi đặt mục tiêu xử lý chính chủ ở bước thứ 3. Mục tiêu là ngay từ cuối năm 2022 sẽ thanh tra, tổng thanh tra các nhà mạng liên quan đến chuyện 1 người sở hữu nhiều SIM. Tất nhiên có luật 1 người được đăng ký nhiều SIM nhưng trong trường hợp đăng ký thay cho con nếu con dưới 14 tuổi và đăng ký cho người giám hộ. Khi làm tốt bước 2 là thông tin chính xác (kết nối, đối chiếu cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để có căn cứ xác định thông tin đăng kí là chính xác) và bước 3 là SIM chính chủ thì sẽ giải quyết cơ bản được vấn đề này.
Tranh luận về vấn đề này, ĐB Quốc hội Phạm Văn Hoà (đoàn tỉnh Đồng Tháp) nêu: tại kỳ họp Quốc hội khoá XIV đã chất vấn Bộ trưởng về vấn đề SIM rác, đến nay vẫn chưa xử lý được, đề nghị cho biết nguyên nhân?.
Trước phần tranh luận này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, về vấn đề này Bộ trưởng đã nhận trách nhiệm cách đây 3 năm nhưng có nói cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư ra đời là một trong những biện pháp quản lý căn bản, triệt để SIM rác. Trước khi cơ sở dữ liệu quốc gia đưa vào vận hành khai thác, Bộ TT&TT đã làm việc rất mạnh mẽ là loại 22 triệu SIM thông tin không đầy đủ. Đó là bước bài bản, thực hiện trong gần 3 năm, chúng ta phải ghi nhận đóng góp của các doanh nghiệp viễn thông và quản lý Nhà nước. Thậm chí chúng ta đã tổ chức thanh tra toàn diện và có công văn nhắc nhở trực tiếp, ký tên từng người, xem xét trách nhiệm của từng doanh nghiệp viễn thông. Khi cơ sở dữ liệu quốc gia hoàn thiện đối soát thì lại ra câu chuyện SIM chính chủ.
"Cuộc sống diễn biến làm việc A nảy sinh việc B thì giải quyết tiếp. Nhưng quan trọng là vẫn còn tồn tại, gây nhức nhối, bức xúc cho người dân thì Bộ trưởng Bộ TT&TT đứng đầu nhận trách nhiệm và tiếp tục cố gắng"- Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng bày tỏ.