Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bộ trưởng Bộ Xây dựng: Giá nhà ở xã hội đang cao so với thu nhập

Việt An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Chiều 3/11, Quốc hội tiến hành Phiên họp Chất vấn và trả lời chất vấn vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực xây dựng. Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị chịu trách nhiệm trả lời chất vấn.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV

Mở đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn, các ĐB Quốc hội nêu một loạt các vấn đề về nhà ở xã hội như giá, nguồn cung, chính sách cho các đối tượng ưu tiên và đề nghị Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị nêu giải pháp.

Giá nhà ở xã hội đang ở mức cao

Đặt câu hỏi liên quan đến nhà ở xã hội, ĐB Quốc hội Tô Văn Tám (Đoàn tỉnh Kon Tum) đề cập về vấn đề mục tiêu nhà ở xã hội hướng tới người lao động có thu nhập thấp và giải quyết nhà giá rẻ là điểm mấu chốt chính sách nhở cho công nhân, người lao động.

Theo ĐB Tô Văn Tám, mục tiêu trên còn khó thực hiện khi thực trạng giá nhà ở xã hội đang ở mức rất cao so với thu nhập của người lao động. Một số liệu cho thấy, giá trung bình ở mức trên 15 triệu đồng/m2, có nơi từ 21 đến 25 triệu đồng/m2.

Trước thực trạng trên, ĐB Tô Văn Tám đề nghị Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết nguyên nhân của thực trạng này và có thể đưa giá nhà ở xã hội phù hợp với khả năng của công nhân, người lao động có thu nhập thấp hay không? Nếu được thì giải pháp nào và trong thời gian bao lâu?

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị trả lời chất vấn. 
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị trả lời chất vấn. 

Liên quan đến ý kiến của ĐB Tô Văn Tám về nhà ở xã hội, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị khẳng định mục tiêu phát triển nhà ở xã hội theo chiến lược nhà ở quốc gia đến năm 2020 chưa đạt mục tiêu theo yêu cầu và giá nhà ở xã hội cũng đang ở mức cao.

Nguyên nhân là chưa đảm bảo được nguồn cung nhà ở xã hội; quỹ đất dành cho phát triển nhà ở xã hội cũng còn hạn chế; nguồn vốn phát triển nhà ở xã hội chưa được đảm bảo; chính sách ưu đãi, khuyến khích chưa thật sự thu hút và khả thi; khâu rổ chức thực hiện còn nhiều phức tạp dẫn đến nguồn cung chưa đảm bảo…

Thời gian tới, giải pháp được nêu ra là điều chỉnh pháp luật để thu hút phát triển nhà ở xã hội. Bộ Xây dựng đang trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Đề án phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội, cố gắng đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp.

Giải pháp nào để tăng nguồn cung nhà ở xã hội?

ĐB Nguyễn Thị Lệ (Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh) cho biết việc phát triển nhà ở xã hội trong thời gian qua chủ yếu từ nguồn lực xã hội hóa, do vậy, việc hoàn thiện các dự án nhà ở xã hội phụ thuộc phần lớn vào các chủ đầu tư dự án.

ĐB Quốc hội Nguyễn Thị Lệ (Đoàn TP Hồ Chí Minh) đặt câu hỏi chất vấn.
ĐB Quốc hội Nguyễn Thị Lệ (Đoàn TP Hồ Chí Minh) đặt câu hỏi chất vấn.

Mặt khác, quy định pháp luật về nhà ở chưa đảm bảo cho việc tạo nguồn cung nhà ở xã hội và chưa nâng cao trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp, chủ đầu tư dự án. Chính vì vậy, nguồn cung nhà ở xã hội trong thời gian qua còn ít, chưa đáp ứng nhu cầu nhà ở xã hội của công nhân, viên chức, người lao động.

Do đó, trong thời gian tới Bộ Xây dựng có ban hành hoặc đề xuất ban hành chính sách gì để khuyến khích phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là hỗ trợ vốn và đơn giản hóa thủ tục hành chính trong quy trình đầu tư phát triển nhà ở xã hội?

Đồng thời có biện pháp như nào để đảm bảo hiệu lực trong thực hiện các quy định về đầu tư xây dựng nhà ở xã hội nhằm tăng nguồn cung nhà ở xã hội, nâng cao trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp, chủ đầu tư và đáp ứng được nhu cầu nhà ở xã hội của công nhân, viên chức, người lao động có thu nhập thấp?

Các ĐB Quốc hội tham dự phiên chất vấn.
Các ĐB Quốc hội tham dự phiên chất vấn.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, trong những năm qua, việc chăm lo giải quyết nhà ở cho người dân nói chung và nhà ở xã hội nói riêng luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm, xác định là một nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, việc thực hiện công tác này vẫn còn một số tồn tại, khó khăn.

Cụ thể là hành lang pháp lý vẫn còn vướng mắc trong việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cần tiếp tục nghiên cứu sửa đổi tại Luật Nhà ở và các luật khác liên quan. Về tổ chức thực hiện vẫn còn khó khăn đó là ngân sách Trung ương chưa bố trí được đầy đủ nguồn vốn ưu đãi thực hiện chính sách nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; một số địa phương chưa chú trọng việc này để tập trung nguồn lực đầu tư hoặc phát triển quỹ đất...

Cho rằng tình hình triển khai, phát triển nhà ở xã hội còn chưa đạt yêu cầu, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, trong thời gian tới, để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, các bộ ngành cần tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật có liên quan đến nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội để tháo gỡ những vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi làm tăng nguồn cung nhà ở xã hội, tháo gỡ những nút thắt cho các dự án xây dựng nhà ở đô thị.

Tăng giá vật liệu, nhân công ảnh hưởng đến hỗ trợ phát triển nhà ở

ĐB Quốc hội Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn tỉnh Bình Định) cho rằng hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng ưu tiên là chính sách ưu việt của Đảng và Nhà nước, được cụ thể hóa bằng nhiều chính sách, nhiều chương trình hỗ trợ phát triển nhà trong nhiều năm qua.

ĐB Quốc hội Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn tỉnh Bình Định) đặt câu hỏi.
ĐB Quốc hội Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn tỉnh Bình Định) đặt câu hỏi.

Tuy nhiên với tình trạng giá nhân công, vật liệu xây dựng tăng cao như hiện này thì mức hỗ trợ các chương trình hỗ trợ phát triển nhà ở cho các đối tượng ưu tiên bị lỗi thời, khó đáp ứng được nhu cầu.

ĐB Nguyễn Văn Cảnh đề nghị Bộ trưởng cho biết hướng hỗ trợ các chương trình hỗ trợ phát triển nhà ở cho các đối tượng ưu tiên trong thời gian tới?

Trả lời ĐB Nguyễn Văn Cảnh về hỗ trợ nhà ở cho đối tượng chính sách, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, thời gian qua, các chương trình hỗ trợ về nhà ở như chương trình hỗ trợ người có công, chương trình hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo khu vực nông thôn, chương trình hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng tránh bão, lũ khu vực miền Trung cũng đã triển khai đạt hiệu quả cao, góp phần hỗ trợ cải thiện chất lượng nhà ở cho các đối tượng chính sách.

Tuy nhiên, tình trạng tăng giá vật liệu, nhân công cũng ảnh hưởng và không đáp ứng được chương trình này.

Về giải pháp Bộ Xây dựng tổng hợp báo cáo của các địa phương, tổng kết chương trình hỗ trợ báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo giao Bộ Xây dựng tiếp thu ý kiến các Bộ, ngành, các địa phương để xây dựng chính sách hỗ trợ cho các đối tượng người có công, người nghèo đảm bảo đáp ứng yêu cầu. Hiện nay, Bộ Xây dựng đang hoàn thiện dự thảo chính xác theo hướng tăng mức hỗ trợ cho Nhà nước cho các đối tượng này.

 

Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị sẽ trả lời về việc di dời trụ sở bộ, ngành khỏi nội đô TP Hà Nội; quản lý thị trường bất động sản; việc xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật trong hoạt động giao dịch, huy động vốn, kinh doanh bất động sản. 

Việc xây dựng nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, công nhân lao động, nhất là tại các khu kinh tế, khu công nghiệp và các thành phố lớn.

Trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng trong xây dựng, ban hành, thực hiện các tiêu chuẩn kỹ thuật, đơn giá, định mức trong xây dựng cơ bản. Việc kiểm soát giá và bảo đảm nguồn nguyên, vật liệu để xây dựng các công trình, dự án, nhất là các dự án quan trọng quốc gia.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành và Bộ trưởng các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông Vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Lao động - Thương binh và Xã hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tổng Kiểm toán Nhà nước sẽ cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình những vấn đề liên quan.