Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bộ trưởng GD&ĐT: Hơn 1,8 triệu học sinh không có thiết bị học trực tuyến

Việt An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, giải quyết vấn đề cung cấp đầy đủ thiết bị học trực tuyến cho học sinh quan trọng hơn đánh giá các em học được gì từ chương trình trực tuyến.

Sáng 11/11, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành Phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn.
 Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đăng đàn trả lời chất vấn sáng 11/11. Ảnh: Media Quốc hội. 
Có gia đình 2-3 anh chị em chỉ có một điện thoại để học trực tuyến

Đánh giá về quá trình dạy, học trực tuyến, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói, biện pháp này là cách ngành giáo dục, thầy và trò ứng phó với dịch bệnh, nhưng việc triển khai còn nhiều khó khăn.
Theo thống kê, Bộ trưởng nói, không phải 1,5 triệu em mà chính xác là 1,867 triệu em hiện không có bất kỳ thiết bị gì trong tay để học tập. Thậm chí, có gia đình 2-3 anh chị em chỉ có một điện thoại. Thực trạng này đã khiến nhiều học sinh dần bỏ học.
"Giải quyết vấn đề này cấp bách hơn là đánh giá xem các cháu học được gì từ chương trình trực truyến", Bộ trưởng nêu quan điểm và cho biết, điểm tích cực là ở những vùng khó khăn hàng đầu, các vùng địa phương chia cắt ở miền núi phía bắc vẫn đang có thể học trực tiếp.
Đánh giá về hiệu quả, theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, học trực tuyến là giải pháp thách thức, nên "chất lượng không thể nói sẽ như học trực tiếp". Bộ đã có hướng dẫn để bổ sung, củng cố kiến thức cho học sinh khi quay lại trường. Đồng thời, Bộ trưởng cũng lưu ý các trường "không đưa các em ra đánh giá ngay".
"Chúng ta đừng căng thẳng quá, đầu tiên phải cho các em làm quen môi trường, tự phòng chống dịch, rồi sau đó mới bắt đầu. Không nên nhồi nhét, đặt vào tay các em các phiếu đánh giá, khảo sát. Việc cân đo đong đếm còn ở phía trước" - Bộ trưởng nói.
Trong nhóm giải pháp củng cố kiến thức, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói cần căn cứ vào nội dung chương trình cốt lõi. Bộ sẽ không bỏ các bài giảng trên truyền trình, chương trình học trực tuyến. Khi học sinh quay lại trường, giáo viên có trách nhiệm đánh giá để phân ra theo nhóm, tùy theo khả năng từng em, vì một lớp khó có thể đồng đều như trước. "Các cháu có thiết bị tốt, bố mẹ kèm cặp tốt thì tốt hơn, nhưng các cháu thiết bị phập phù có thể sẽ kém hơn" - Bộ trưởng nhận xét.
Theo đó, triển khai phương pháp dạy theo hướng cá thể hóa là phù hợp cho một lớp có nhiều trình độ. "Chúng ta cần những giải pháp tổng thể về chuyên môn, về trang thiết bị, về tư vấn tâm lý, cần giải pháp mang tính tổng thể hơn" - Bộ trưởng cho biết.
Hỗ trợ về mặt tâm lý, tư vấn, sức khỏe để tránh sự căng thẳng của học sinh
Đại biểu Trần Văn Tuấn (Bắc Giang) cho rằng, giáo dục đào tạo cần hướng tới tăng cường kỹ năng mềm cho học sinh - sinh viên. Việc này liên quan trách nhiệm gia đình, nhà trường, xã hội. Nhưng do đại dịch, nhiều thời điểm, nhiều nơi phải chuyển dạy sang hình thức trực tuyến, giáo dục kỹ năng cho các em gặp khó khăn. "Giải pháp khắc phục tình trạng trên khi dịch bệnh còn có thể kéo dài là gì?", ông chất vấn.
Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, các yêu cầu về năng lực và các kỹ năng là các yêu cầu rất quan trọng và mục tiêu trong đổi mới phải cần tăng cường các phương diện này. Nhưng đúng là dạy học trực tuyến trong thời gian vừa qua cũng tác động ảnh hưởng đến việc trang bị các kỹ năng, đặc biệt là các kỹ năng mà chỉ được hình thành thông qua các tương tác trực trực tiếp, trực quan và tiếp xúc. Ngành cũng nhận thấy đây là một điểm mà dạy học trực tuyến chưa thể và khó có thể thay thế được cho dạy học trực tiếp. 
“Trong thời gian nếu như học sinh quay trở lại được trường, một trong những việc cần đặc biệt phải tăng cường là trang bị các cái kỹ năng mềm. Đương nhiên, cần một cái sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường trong việc hỗ trợ trang bị các kỹ năng” – Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.
Bộ trưởng cho rằng, nếu dịch kéo dài và tiếp tục phải dạy học trực tuyến thì việc đầu tiên cần phải củng cố, tăng cường là hạ tầng về công nghệ thông tin, về trang thiết bị. Các bài giảng trên truyền hình sẽ cần phải được tiếp tục.
Đối với việc thanh tra, kiểm tra, giám sát phải rà soát làm sao để thực hiện theo đúng thông tư quy định, hướng dẫn của Bộ trong việc đảm bảo thời gian, nội dung chương trình giảng dạy. “Một việc rất quan trọng là phải tăng cường hỗ trợ về mặt tâm lý, tư vấn, sức khỏe để tránh sự căng thẳng của học sinh” – Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói và cho biết, Bộ cũng đang tiến hành chuẩn bị các văn bản hướng dẫn, tổ chức kiểm tra, đánh giá định kỳ cho phù hợp với tình hình dạy học trực tuyến kéo dài.