Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo nhận trách nhiệm, thiếu sót trong "một số công việc"

Văn Sinh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong hơn 1 ngày thảo luận trên Hội trường Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, rất nhiều đại biểu Quốc hội nêu bức xúc liên quan đến ngành giáo dục, không ít ý kiến bày tỏ lo ngại về chất lượng nền giáo dục và hiệu quả của công tác đổi mới trong giáo dục.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ giải trình trước Quốc hội sáng 31/5.
Về những vấn đề liên quan đến lĩnh vực phụ trách, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã dành 7 phút giải trình trước Quốc hội sáng 31/5 với 2 nội dung chính: Kỳ thi THPT quốc gia và bạo lực học đường.
Bộ trưởng Nhạ nhấn mạnh, công tác đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục là 1 trong nhiều nhiệm vụ phải thực hiện, khắc phục tình trạng 1 năm có 3 kỳ thi liền kề (tốt nghiệp THPT, cao đẳng, đại học) rất nặng nề.
Chính phủ ban hành chương trình hành động, giao Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng đề án với lộ trình đổi mới thi hướng tới 1 kỳ thi chung để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm cơ sở xét tuyển vào cao đẳng, đại học. Bộ đã thực hiện chỉ đạo này và qua việc tổ chức thi đã giảm được áp lực, từng bước khắc phục tình trạng nặng nề, hướng tới kỳ thi trung thực. Tuy nhiên, kỳ thi 2018 đã để xảy ra tiêu cực tại một số địa phương, đặc biệt là khâu chấm thi, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Về nguyên nhân, Bộ trưởng Nhạ nói: "Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo, với trách nhiệm cá nhân, tôi là phụ trách ngành xin nhận trách nhiệm và thiếu sót trong một số công việc".
Người đứng đầu ngành giáo dục đánh giá, kỳ thi năm 2018 có 3 điểm hạn chế chính. Thứ nhất, phần mềm chấm thi còn lỗ hổng, dẫn đến người xấu lợi dụng can thiệp. Thứ hai, công tác quán triệt quy chế thi, hướng dẫn nghiệp vụ chưa làm tốt. Thứ ba, công tác thanh, kiểm tra chưa sâu sắc.
Bên cạnh đó, địa phương theo phân cấp cũng chưa thực hiện đủ trách nhiệm, có việc lựa chọn cán bộ tham gia chưa đáp ứng yêu cầu, thậm chí chính những người này chủ động thông đồng, kết nối với nhau để thực hiện nâng khống điểm.
Ngay sau khi phát hiện vụ việc, Bộ đã cử đoàn thanh tra kiểm tra và có văn bản đề nghị Bộ Công an phối hợp làm rõ. Thủ tướng chỉ đạo quyết liệt, làm nghiêm. Việc điều tra có kết quả bước đầu, nhiều cán bộ bị khởi tố, nhiều thí sinh bị các trường trả về. Hiện vẫn đang tiếp tục làm rõ và xử lý đối tượng liên quan.
Để khắc phục những bất cập và đảm bảo kỳ thi tốt nghiệp THPT 2019 an toàn, Bộ Giáo dục và Đào tạo tăng cường quán triệt quy chế thi, hướng dẫn kỹ về nghiệp vụ, chú trọng khâu điều cán bộ chấm thi, coi thi và tăng cường thanh kiểm tra.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng cho biết, khâu chấm thi sắp tới Bộ trực tiếp chỉ đạo, giao các trường đại học đứng ra phụ trách; phần mềm được nâng cấp mã hoá toàn bộ dữ liệu, đánh phách; có camera giám sát khu vực thi.... Riêng với môn tiểu luận sẽ được chấm 2 vòng.
Bộ trưởng Nhạ cũng đề nghị cấp uỷ chính quyền địa phương và cử tri, đại biểu tăng cường giám sát để kỳ thi năm 2019 đảm bảo an toàn.
"Những vấn đề được nêu ra thì chúng tôi nhận thức được và đang thực hiện cương quyết. Có những đổi mới chưa thể có thể kết quả ngay được, sự lúng túng, thiếu sót là không tranh khỏi. Chúng tôi sẽ cương quyết khắc phục để làm tốt hơn" - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.
Về vấn đề bạo lực học đường gây bức xúc, Bộ trưởng cho biết đã chỉ đạo làm rõ và xử lý trách nhiệm. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng ban hành các văn bản quy phạm về vấn đề bạo lực học đường, chống bạo lực.
Cũng theo Bộ trưởng, cả nước hiện có gần 1,5 triệu giáo viên, trong đó phần lớn say mê nghề nghiệp. Hiện, chỉ có một bộ phận sa sút đạo đức, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ cương quyết xử lý và đưa ra khỏi ngành.