Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Tôi sợ nhất câu hỏi “đến bao giờ”

Việt An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ NN và PTNT Lê Minh Hoan làm rõ, không thoái thác trách nhiệm về tình trạng “được mùa mất giá”, nhưng trong bối cảnh nền kinh tế thị trường, nếu có sự sự năng động của chính quyền địa phương thì sẽ giải quyết được vấn đề.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan trả lời chất vấn. Ảnh: Quochoi.vn
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan trả lời chất vấn. Ảnh: Quochoi.vn

Chiều 7/6, tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn. Trách nhiệm trả lời chất vấn trực tiếp thuộc Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan.

Làm thế nào để tăng giá trị nông sản Việt Nam, tăng thu nhập cho nông dân?

Theo ĐB Trần Thị Hoa Ry (Đoàn ĐB Quốc hội tỉnh Bạc Liêu), tình trạng vật tư nông nghiệp tăng vào mùa vụ sản xuất, điệp khúc được mùa mất giá, người dân còn loay hoay trong việc tìm kiếm cây trồng, vật nuôi đáp ứng thị trường.

“Đây không phải là vấn đề mới và đã được chất vấn rất nhiều lần”- ĐB nhận định và đề nghị Bộ trưởng cho biết đâu là điểm nghẽn của vấn đề này và bao giờ mới khắc phục được triệt để? Khi nào các chính sách mới đi vào thực tiễn của cuộc sống để lĩnh vực nông nghiệp có thể góp phần phát huy được lợi thế, tiềm năng và góp phần phát triển kinh tế đất nước?

ĐB Trần Thị Hoa Ry (Đoàn ĐB Quốc hội tỉnh Bạc Liêu) đặt câu hỏi chất vấn. Ảnh: Quochoi.vn
ĐB Trần Thị Hoa Ry (Đoàn ĐB Quốc hội tỉnh Bạc Liêu) đặt câu hỏi chất vấn. Ảnh: Quochoi.vn

ĐB Nguyễn Văn Thi (Đoàn ĐB Quốc hội tỉnh Bắc Giang) đề nghị Bộ trưởng Bộ NN và PTNT cho biết, trong thời gian tới để có giải pháp, chính sách nào để tăng tỉ lệ nông sản đưa ra thị trường đã qua chế biến, tăng tỷ lệ xuất khẩu nông sản chính ngạch, mở rộng thị trường xuất khẩu và nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản Việt Nam?

ĐB Nguyễn Văn Thi (Đoàn ĐB Quốc hội tỉnh Bắc Giang) chất vấn Bộ trưởng NN và PTNT. Ảnh: Quochoi.vn
ĐB Nguyễn Văn Thi (Đoàn ĐB Quốc hội tỉnh Bắc Giang) chất vấn Bộ trưởng NN và PTNT. Ảnh: Quochoi.vn

ĐB Phạm Thị Minh Huệ (Đoàn ĐB Quốc hội tỉnh Sóc Trăng) cho biết: Có thông tin nông sản Việt Nam được xuất khẩu và có mặt tại các kệ hàng trong các hệ thống siêu thị nước ngoài với giá cao, trong khi giá bán tại các chợ truyền thống và các hệ thống siêu thị trong nước vẫn ở mức thấp. Vì thế thu nhập của người nông dân, người trực tiếp sản xuất nông nghiệp chưa thực sự được cải thiện. ĐB đề nghị Bộ trưởng đưa ra giải pháp để giải quyết thực trạng này, góp phần cải thiện thu nhập của người nông dân, người trực tiếp sản xuất nông nghiệp?

ĐB Phạm Thị Minh Huệ (Đoàn ĐB Quốc hội tỉnh Sóc Trăng). Ảnh: Quochoi.vn
ĐB Phạm Thị Minh Huệ (Đoàn ĐB Quốc hội tỉnh Sóc Trăng). Ảnh: Quochoi.vn

Hình ảnh lãnh đạo địa phương chính là thương hiệu của nông sản địa phương

Trả lời câu hỏi của ĐB, Bộ trưởng NN và PTNT Lê Minh Hoan bày tỏ lo sợ nhất câu hỏi “đến bao giờ”. Bộ trưởng làm rõ Bộ trưởng không thoái thác trách nhiệm mà sẽ làm hết mình nhưng trong bối cảnh điều hành nền kinh tế thị trường, chiến lược thì từ trên xuống dưới mà tổ chức thực hiện thì từ dưới lên trên thì nếu có sự vào cuộc của chính quyền địa phương, sự năng động của chính quyền địa phương thì sẽ giải quyết được vấn đề nhanh hay chậm.

Dẫn chứng câu chuyện nông sản của một số địa phương như cà rốt Hải Dương, xoài Sơn La, nhãn lồng Hưng Yên, quả Vải ở Bắc Giang, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu rõ khi các địa phương vào cuộc một cách chủ động, thậm chí lãnh đạo địa phương trực tiếp đi tiếp thị xúc tiến thương mại thì hình ảnh lãnh đạo địa phương cũng chính là thương hiệu của nông sản địa phương.

Bộ trưởng Bộ NN và PTNT Lê Minh Hoan trả lời chất vấn. Ảnh: Quochoi.vn
Bộ trưởng Bộ NN và PTNT Lê Minh Hoan trả lời chất vấn. Ảnh: Quochoi.vn

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhắc lại câu nói của một lãnh đạo Hải Dương từng nói “đất đai Hải Dương manh mún nhưng tư duy của người Hải Dương không được manh mún”. Nêu rõ bản chất nông nghiệp là rủi ro, thiên tai, dịch bệnh, thị trường, khó định lượng, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh vấn đề là chúng ta dũng cảm, kiên trì cùng nhau đi và từ câu chuyện của Hải Dương hay của địa phương khác bắt đầu kích hoạt các địa phương còn lại.

Niềm tin nông sản trong nước là bệ đỡ để đưa nông sản Việt ra nước ngoài

Về câu hỏi ĐB Nguyễn Văn Thi về chế biến nông sản, Bộ trưởng cho biết, thực tế một số ngành của nước ta chế biến rất tốt gần như 100%, thậm chí không đủ nguyên liệu trong nước để chế biến như ngành thủy sản, chế biến gỗ, cao su. Lĩnh vực khó khăn nhất và rủi ro nhất trong chế biến nông sản là trái cây. Thời gian qua nhiều doanh nghiệp tham gia và thành công. Thủ tướng Chính phủ cũng đã thăm và khởi động nhà máy chế biến nông sản ở Sơn La, Gia Lai và một số địa phương.

Bộ trưởng làm rõ để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào chế biến nông sản thì chất lượng nông sản tốt và sản lượng nông sản ổn định. Do đó địa phương cần phải chủ động liên kết thu hút doanh nghiệp, tạo an tâm có đủ nguyên liệu sản xuất bởi doanh nghiệp sợ về đó mà nông dân không bán cho doanh nghiệp. Bộ trưởng cho rằng lãnh đạo địa phương cần phải sâu sát ngồi với 2 gồm nông dân và doanh nghiệp, tạo niềm tin thị trường trước.

Trả lời câu hỏi của ĐB Phạm Thị Minh Huệ, Bộ trưởng Bộ NN và PTNT cho biết, để đưa 1 mặt hàng nông sản đến 1 kệ hàng của siêu thị tại nước ngoài thì chi phí Logistics và chi phí thị trường chiếm tỉ trọng cao. Do đó chưa thể quá quá háo hức. Điều quan trọng là giá cao đó có phân bổ lại được cho người nông dân hay không. Bộ trưởng Bộ NN và PTNT bày tỏ mong muốn trước nhất phải làm tốt thương hiệu trong nước, niềm tin nông sản trong nước bệ đỡ để đưa nông sản Việt ra nước ngoài.

 

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai – Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội tranh luận: Bộ trưởng có nói là đối với những câu trả lời "khi nào? bao giờ?..." thì thật khó để đưa ra một câu trả lời, bởi vì rất khó xác định được kết quả. Đối với những câu hỏi đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng nói là do yếu tố thị trường biến động cho nên không xác định được kết quả.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Tôi sợ nhất câu hỏi “đến bao giờ” - Ảnh 1

Đúng là thị trường là yếu tố khó xác định những biến động nhưng trên thực tế chúng ta có những quy luật thị trường. Đó là quy luật cung cầu, quy luật cạnh tranh, quy luật giá trị và sự quản lý Nhà nước trong kinh tế thị trường có 4 vai trò căn bản gồm: kiến tạo, xây dựng, định hướng và dự báo thị trường.

Như vậy, chúng tôi nghĩ rằng, không thể nói là chúng ta khó xác định được kết quả và hiện nay trên thực tế xác định kết quả đầu ra là một quy luật tiên tiến và thông lệ quốc tế cũng đang áp dụng.

Thứ hai, Bộ trưởng có nói là có những vấn đề mà liên quan đến yếu tố liên ngành cũng rất khó xác định. Chúng tôi cũng đồng ý rằng có từng Bộ, ngành nhưng Chính phủ là nhất thể và bộ máy điều hành đó là thống nhất. Vì vậy, tôi cũng mong rằng, đối với những câu hỏi liên quan đến khi nào, bao giờ thì các đại biểu cần có được câu trả lời. Bởi vì đó không chỉ đơn thuần là câu trả lời mà còn là hy vọng và chúng ta cũng không nên để hy vọng của người dân trở thành vô vọng khi không có câu trả lời.

Trả lời tranh luận của đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, Bộ trưởng Lê Minh Hoan thừa nhận trách nhiệm cá nhân và hứa sẽ nghiên cứu trả lời đại biểu sau phiên thảo luận.

Điều hành nội dung chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, vấn đề thực phẩm bẩn đã có tiến bộ rất nhiều trong sản xuất nông nghiệp.

Trước đây người dân, đại biểu Quốc hội cũng nói nhiều đến tình trạng “rau hai luống, lợn hai chuồng”, tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội nhận thấy, bây giờ vấn đề này ít được nói đến hơn.

Điều đó chứng tỏ đã có thay đổi tư duy người sản xuất và tiến bộ hơn trong vấn đề quản lý, điều hành nền sản xuất sạch. Qua đó, chúng ta có thể tổng kết, rút ra được những bài học kinh nghiệm, nhất là vấn đề quản lý nhà nước để làm được tốt hơn.

“Thị trường có nhiều “cái biến”, nhưng mà có cái “bất biến” là chúng ta phải làm tròn trách nhiệm quản lý nhà nước: phân tích, đánh giá, dự báo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, hợp tác quốc tế…”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.