Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken phát biểu trong cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tại trụ sở ở New York ngày 23/9/2021. (Nguồn: Getty Images) |
Chống khủng bố, dân chủ, nhân quyền, khí hậu trái đất và hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư để phát triển châu lục luôn là những chủ đề nội dung trọng tâm trong chính sách và chiến lược của các thời chính quyền ở Mỹ đối với châu Phi. Nhưng rồi lối mòn trong hoạch định chính sách và hành động của Mỹ đối với châu lục này là lời nói thường không đi đôi với việc làm, đầu voi đuôi chuột, đánh trống bỏ dùi hoặc triển khai thực thi chẳng đến đầu đến đũa.Cho nên câu hỏi hiện được cả trong lẫn ngoài châu lục đặt ra là chính quyền hiện tại ở Mỹ sẽ khai phá lối đi mới hay lại lần theo lối mòn kia trong chính sách đối với châu lục và quan hệ với các quốc gia trên châu lục. Cứ theo lôgic hoạch định chính sách và thực hiện lợi ích thì bối cảnh tình hình mới buộc phải có chính sách mới. Về lý thuyết, chính quyền mới ở Mỹ có thừa lý do xác đáng để phải có chính sách và chiến lược mới đối với châu Phi.
Nơi đây, ảnh hưởng của Nga và Trung Quốc đã rất sâu rộng và ổn định. Cạnh tranh chiến lược toàn diện với hai nước này thì Mỹ không thể sao nhãng châu Phi được nữa. Để chống khủng bố hay thực hiện một trọng tâm chính sách cầm quyền là bảo vệ khí hậu trái đất thì châu Phi hiện càng thêm quan trọng đối với Mỹ. Nhưng chỉ với chuyến đi này của ông Blinken thôi thì lại chưa thể đủ để châu lục và bên ngoài chắc chắn được rằng chính quyền mới ở Mỹ sẽ đi lối mới chứ không theo lối cũ ở châu Phi.