Sáng 8/6, Quốc hội khóa XV họp phiên toàn thể tại hội trường tiếp tục chất vấn nhóm vấn đề thứ tư thuộc lĩnh vực giao thông vận tải.
Còn nhiều dư địa giảm chi phí logistic
Trả lời tranh luận của đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, theo thông lệ quốc tế chi phí logistic đều được so sánh với GDP. Năm 2022 ở mức 16,8% GDP, tỷ lệ này còn cao so với bình quân chung trên thế giới, nhưng đã tiệm cận chỉ tiêu chỉ tiêu tối thiểu mà Chính phủ đề ra tại Chiến lược phát triển logistics của Việt Nam đến năm 2025, chi phí logistic chiếm khoảng từ 16-20%. Việt Nam đang xếp ở vị trí thứ 43 trong tổng số 139 nước tham gia xếp hạng và trong ASEAN, Việt Nam đứng thứ tư. Đây cũng kết quả ban đầu để tiếp tục phấn đấu và thực tế dư địa để giảm chi phí logistic còn rất nhiều.
Trong thời gian tới, Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục nỗ lực và phối hợp chặt chẽ với Bộ Công thương và các bộ, ngành liên quan tập trung phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đồng bộ; đầu tư phát triển các cảng cạn, trung tâm logistic để đẩy mạnh các phương vận tải đa phương thức. Đặc biệt, lần đầu tiên chúng ta đã ban hành 4 quy hoạch; chỉ còn quy hoạch về cảng không Bộ Giao thông Vận tải đã trình lấy ý kiến hoàn tất thủ tục và đã trình lên Thủ tướng Chính phủ. Như vậy, có 5 quy hoạch, Bộ Giao thông vận tải sẽ phối hợp với các bộ, ngành, các địa phương tính toán phương án kết nối đầu tư giữa các vùng.
Ngoài ra, Bộ tiếp tục rà soát, nghiên cứu đề xuất các chính sách liên quan đến giá, phí vận tải như giảm phí sử dụng đường bộ, phí sử dụng hạ tầng cảng biển, lệ phí ra vào cảng biển, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, giảm thủ tục, tạo thuận lợi cho các chủ hàng. Chủ động phối hợp với các địa phương thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho các địa phương trong hoạt động đầu tư khai thác hạ tầng tránh dàn trải và gây cạnh tranh không lành mạnh dẫn đến lãng phí xã hội.
Bộ có trách nhiệm về sai phạm xảy ra trong hoạt động đăng kiểm
Trả lời tranh luận của đại biểu Trần Thị Kim Nhung về trách nhiệm của bộ trong việc chậm phản ứng, khiến các Trung tâm đăng kiểm chậm hoạt động trở lại do thiếu đăng kiểm viên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng khẳng định, sự việc xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng như các Trung tâm đăng kiểm là một sự cố hết sức đau xót đối với lĩnh vực đăng kiểm nói riêng cũng như ngành giao thông vận tải nói chung. Bộ Giao thông Vận tải có trách nhiệm cùng với Đăng kiểm Việt Nam về những sai phạm xảy ra trong hoạt động đăng kiểm.
Bộ trưởng cho biết thêm, trong công tác điều tra, khởi tố vụ án, khởi tố, bắt giam bị can do công an các địa phương thực hiện, không phải là Bộ Công an. Về nguyên tắc điều tra, không trao đổi trước với Bộ Giao thông Vận tại. Do vậy, với tinh thần khi xảy ra ở đâu, Bộ Giao thông Vận tải trực tiếp trao đổi, báo cáo Bộ trưởng Bộ Công an để có phương án giải quyết. Bộ Giao thông có văn bản đề nghị Bộ Công an tạo điều kiện, việc thu giữ máy móc, thiết bị và tài liệu niêm phong để phục vụ cho công tác điều tra có thể làm sớm, làm nhanh, sau đó bàn giao lại cho trung tâm đăng kiểm để Cục Đăng kiểm tiếp quản và bố trí lực lượng.
Tuy nhiên, 75% trung tâm đăng kiểm của các doanh nghiệp tư nhân, nên không phải muốn khôi phục lại là khôi phục được. Đặc biệt, lực lượng bị khởi tố, bắt giam ở các trung tâm đăng kiểm chủ yếu là nhân lực chủ chốt, đăng kiểm viên bậc cao, thường mỗi trung tâm chỉ có một người và thường giữ vai trò lãnh đạo của trung tâm.
Về trách nhiệm, ngay từ đầu lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải trực tiếp chỉ đạo khi xảy ra các vụ việc tại các trung tâm đăng kiểm về các giải pháp ngắn hạn và dài hạn. Ngày 7/6, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định ban hành Nghị định sửa đổi 139, như vậy các điều kiện liên quan đến hoạt động của trung tâm đăng kiểm cơ bản được đảm bảo.
Triển khai các quy hoạch lĩnh vực hàng hải
Trả lời chất vấn của đại biểu Huỳnh Thị Phúc liên quan đến dự án BOT dừng thu phí, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, Bộ đang đốc thúc, trong trường hợp doanh nghiệp chưa chịu bàn giao, Bộ Giao thông Vận tải cũng sẽ chỉ đạo để thực hiện việc tiếp quản; nơi nào hỏng hóc cần phải nâng cấp, bảo trì, Bộ Giao thông Vận tải thực hiện.
Về kế hoạch nâng cấp sân bay Côn Đảo, Bộ Giao thông Vận tải đã đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn và đã phê duyệt dự án để triển khai thực hiện việc nâng cấp.
Liên quan đến ý kiến của đại biểu về khó khăn trong tiếp cận nguồn cát của các nhà thầu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, thực tế này có trên thực tế nhưng không phải là phổ biến, chỉ diễn ra ở một vài dự án trong giai đoạn đầu triển khai dự án. Bởi khi chưa thực hiện quy trình, thủ tục để được cấp mỏ theo Nghị quyết 43 của Quốc hội cần có quy trình, thủ tục và mất thời gian, khi đó các doanh nghiệp phải mua nguyên vật liệu trên trên thị trường, vấn đề này cơ bản được giải quyết.
Trả lời ý kiến của đại biểu về giải pháp phát huy hơn nữa phương thức vận tải đường biển để tận dụng chiều dài của bờ biển hơn 3.200 km, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, Bộ đang triển khai các quy hoạch lĩnh vực hàng hải làm cơ sở thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng hàng hải; tiếp tục phối hợp với các địa phương để tháo gỡ các điểm nghẽn về kết nối hạ tầng; tập trung phát triển, nâng cao năng lực vận chuyển các chặng ngắn; tiếp tục đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng biển theo đúng quy hoạch và cố gắng thu hút các nhà đầu tư chuyên nghiệp, các doanh nghiệp, tập đoàn tài chính lớn có kinh nghiệm trên thế giới.
Giải trình chất vấn của đại biểu về vi phạm của các doanh nghiệp vận tải, giải pháp của Bộ trưởng đưa ra là tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương để quản lý các phương tiện này; triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, lắp đặt phần mềm giám sát hành trình, lắp đặt các camera giám sát hành trình nhằm theo dõi, giám sát thời gian lái xe, tuân thủ đúng quy định về các biện pháp an toàn hành khách…