Sáng 4/6, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đăng đàn trả lời chất vấn với nhóm nội dung về việc hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông và bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong cả nước, nhất là tại các thành phố lớn; giải pháp xử lý những vấn đề tồn tại đối với các dự án giao thông đầu tư theo hình thức xây dựng-kinh doanh-chuyển giao (BOT).
Quay về tên gọi “Trạm thu phí”
Trước khi trả lời câu hỏi của các đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể có 5 phút báo cáo một số vấn đề. Bộ trưởng cho hay: GTVT là ngành kinh tế đặc biệt, được người dân quan tâm. GTVT phải thực hiện chức năng đi trước mở đường. Thời gian qua, Bộ GTVT nhận được rất nhiều câu hỏi của cử tri và ĐB Quốc hội.
Trong thời gian vừa qua, Bộ luôn nỗ lực thực hiện nghị quyết của Đảng Nhà nước về kết cấu GTVT. Nhưng do nguồn ngân sách có hạn, công tác tổ chức, đảm bảo GTVT có nhiều bất cập. GTVT không phát triển đồng đều giữa các vùng miền, vùng núi còn khó khăn.
GTVT luôn là nhu cầu rất lớn của địa phương nhưng nguồn vốn ít dẫn đến chỉ đáp ứng được một phần. Một số lĩnh vực như đường sắt trong một thời gian dài chưa được quan tâm đúng mức. Đường sắt đang kém phát triển nhất trong các loại hình giao thông.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Việc Kiểm toán Nhà nước phát hiện có sự chênh lệch lớn là điều hiển nhiên. |
Bộ trưởng thông tin: Tình hình tai nạn giao thông diễn biến phức tạp. Ủy ban ATGT quốc gia, Bộ đã vào cuộc quyết liệt. Tai nạn giao thông giảm cả số vụ, số người chết và bị thương nhưng số người chết vì tai nạn giao thông còn cao. Năm 2017 là trên 8.000 người. Tôi cho rằng cần có biện pháp đột phá để giảm thiểu tai nạn giao thông.
Chủ trương phát triển giao thông BOT là đúng, vì ngân sách hạn chế, nợ công cao. Dự án BOT góp phần quan trọng phát triển kinh tế nhưng còn nhiều bất cập. Việc khai thác các dự án BOT được dự luận quan tâm vì tồn tại nhiều vấn đề. Bộ GTVT cùng nhiều bộ ngành tiếp thu và rà soát. Chúng tôi đang rà soát để thay đổi tên gọi trạm BOT cho đúng với bản chất. Chúng tôi sẽ cố gắng sớm nhất báo cáo Chính phủ tên mới Với những yếu kém của ngành, thay mặt Bộ GTVT, chúng tôi thành thật xin nhận trách nhiệm.
Ngay sau khi Tư lệnh ngành GTVT nói: Tiếp thu ý kiến dư luận, Bộ đang nghiên cứu sửa đổi tên gọi "trạm thu giá" để trình Chính phủ, phía dưới hội trường, nhiều đại biểu cùng cười.
Phát biểu ngay sau đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói: Việc này không cần nghiên cứu, tôi thấy Bộ GTVT không dùng “Trạm thu giá” thì cứ quay lại dùng tên gọi cũ là “Trạm thu phí”, vì nếu trình Chính phủ thì mất nhiều thời gian lắm.
Bộ GTVT làm đúng?
Chất vấn Bộ trưởng Bộ GTVT, ĐB Nguyễn Ngọc Phương hỏi: Xin chia sẻ với Bộ trưởng mới nhậm chức nhưng đã nhận được rất nhiều ý kiến của cử tri. Xin Bộ trưởng nêu rõ tại sao lại có sự chênh lệch số chênh lệnh năm thu phí và kết quả kiểm toán đối với các dự án BOT. Việc thu phí BOT trên đường mở rộng, cải tạo sẽ khắc phục thế nào?
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng cho biết: Chênh lệch giá trị hợp đồng BOT và kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước là vấn đề cả xã hội quan tâm. Theo luật và nghị định của Chính phủ, giai đoạn vừa qua Bộ đã tổ chức đầu thầu BOT và ký hợp đồng trên cơ sở được duyệt. Trong đó, nhiều phần là dự phòng, trượt giá, khối lượng, tiền dự kiến công tác giải phóng mặt bằng và các vấn đề phát sinh do đó dự án được duyệt bao gồm các khoản phát sinh mới…. nên có giá trị lớn hơn kết quả kiểm toán.
Căn cứ vào đó, Bộ GTVT ký hợp đồng với nhà đầu tư theo dự án được duyệt nên Bộ đã chủ động kiến nghị Kiểm toán Nhà nước cùng tiến hành kiểm toán trước Bộ quyết toán. Thời gian gian qua với 56 trạm BOT đã kiểm toán 50 còn 6 dự án đang triển khai. Theo hợp đồng Bộ đã đàm phán với các nhà đầu tư là giá trị sau kiểm toán là giá trị để Bộ điều chỉnh thời gian thu phí và chính sách phí, do đó việc Kiểm toán Nhà nước phát hiện có sự chênh lệch lớn là điều hiển nhiên, những dự án triển khai nhanh ít phát sinh.
Dự án số liệu Kiểm toán Nhà nước và dự án quyết toán của bộ GTVT thậm chí số liệu của Bộ còn thấp hơn, do đó sự chỉ ra của Kiểm toán Nhà nước là rất đúng nhưng bộ GTVT cũng làm đúng. Mặt bằng giá BOT, Bộ đã rà soát và giảm toàn bộ 56 dự án BOT có dự án giảm 2-3 lần từ 35.000 đồng/lượt xe con thậm chí một số trạm chỉ còn 15.000 đồng. Và văn cứ tính phí giảm phí căn cứ vào lưu lượng xe đi qua trạm và hoàn vốn cho nhà đầu tư.