Ngày 13/12, Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Ngoại giao và Quỹ Á – Âu tổ chức Hội nghị Á – Âu về “Học tập suốt đời và mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030”.
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, trong thế giới hội nhập thì việc học là để trở thành công dân toàn cầu và rất nhiều thứ khác. Đây cũng là trụ cột mà UNESCO và Việt Nam đang đi theo. Chính phủ và ngành Giáo dục quan tâm rất cao đến lĩnh vực này. Do vậy từ năm 2005, Việt Nam đã triển khai rất nhiều chính sách và coi giáo suốt đời, xây dựng xã hội học tập, cộng đồng học tập trở thành một trong những nhiệm vụ rất quan trọng. Thủ tướng Chính phủ đã có đề án xây dựng xã hội học tập và cùng đó Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam phát triển rất mạnh mảng này.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, dự kiến ngày 1/1/2019 khai trương cổng Tri thức Việt số hóa để mọi người dân đều có trách nhiệm đóng góp nhưng đồng thời chia sẻ mang lại lợi ích rất to lớn. Với với sự hỗ trợ của CNTT như hiện nay, giáo dục suốt đời, xây dựng xã hội học tập là rất thuận lợi.
Tuy nhiên, đây là vấn đề không dễ vì đối tượng đa dạng; hình thức, nội dung, phương pháp, phương tiện kiểm tra đánh giá cũng rất phong phú. “Qua thực tiễn, những năm vừa qua chúng tôi rút được nhiều kinh nghiệm nhưng có rất nhiều cái vướng và đang tiếp tục nghiên cứu để khắc phục, hướng tới xã hội học tập đích thực hơn, tốt hơn. Và, mọi người được tham gia học thuận lợi hơn và học tập suốt đời trở thành động lực” – Bộ trưởng Nhạ thông tin.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ: Học tập suốt đời là động lực tự thân trong mỗi con người chứ không phải bắt buộc, không vì bằng cấp |
Tổng tư lệnh ngành Giáo dục cũng cho biết, Bộ GD&ĐT đang chỉnh sửa lại Luật Giáo dục –hành lang pháp lý, thể chế tốt để khuyến khích mọi người không chỉ tham gia mà cung cấp dịch vụ học tập suốt đời. Để làm được việc đó, hệ thống giáo dục quốc dân của Việt Nam mở linh hoạt thế nào để cho mọi người, mọi đối tượng được liên thông với nhau. Đặc biệt là liên thông ngang giữa chương trình chính khóa với không chính quy trong lồng ghép nội dung đào tạo; phương pháp giáo dục chính quy với giáo dục không chính quy, kiểm tra đánh giá, công nhận tín chỉ.
Một vấn đề nữa là nội dung chương trình. Giáo dục thường xuyên rất đa dạng, việc xây dựng chương trình cho các phương thức giáo dục từ xa và cung cấp dịch vụ thuận lợi cho mọi người tham gia được đây là vấn đề cần thảo luận kỹ để tăng ứng dụng và hấp dẫn cho việc học.
Phương pháp truyền đạt như thế nào với giáo dục chính quy cũng là vấn đề đặt ra. Giáo dục tại gia hay giáo dục cung cấp theo hình thức học tập suốt đời thì phương thức thi đại học, thiết chế vận hành ra sao? “Chúng tôi có thiết chế trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục cộng đồng, gia đình học tập, cộng đồng học tập, đơn vị học tập… và xây dựng tiêu chí đánh giá để mọi người hoàn thiện hơn. Nhưng, chúng tôi rất cần tư vấn các thiết chế về tổ chức hình thức giáo dục suốt đời cho linh hoạt, hiệu quả, tránh hình thức” – Bộ trưởng Nhạ mong muốn.
Một vấn đề nữa là đánh giá kế hoạch, phải dựa vào tiêu chí. Đối với sức học của người lớn, ngành Giáo dục rất cần tiêu chí đánh giá số giờ mà người lớn dành ra để học tập. Thông qua đó đánh giá được số giờ mà người dân Việt Nam học tập suốt đời.
Công nhận tín chỉ và tiến tới tích lũy tín chỉ ấy phục vụ cho học tập, chứ không phải chung chung là vấn đề đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam. Qua đó, để tạo động lực cho những người muốn tích lũy hệ thống tín chỉ, được công nhận thông qua các văn bằng. Mặc dù trong thực tế đã triển khai nhưng đây là nội dung rất mới nên ngành Giáo dục chưa có chính sách đủ, thích hợp để mọi người tham gia.