Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bộ trưởng Tô Lâm nêu giải pháp ngăn tội phạm bỏ trốn trước khi bị khởi tố

Nguyễn Đức Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại phiên chất vấn Chánh án TAND tối cao sáng 18/11, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã tham gia trả lời bổ sung một số vấn đề liên quan đến các vụ án tham nhũng.

Kiến nghị tạm hoãn xuất cảnh người bị nghi tham nhũng
Theo đó, năm 2017, cơ quan điều tra các cấp đã thụ lý 90 nghìn vụ án/129 nghìn bị can, kịp thời xử lý 74 nghìn vụ/105 nghìn bị can, đạt tỷ lệ hơn 80%.

Bộ trưởng thừa nhận, công tác phát hiện điều tra tội phạm tham nhũng trong thời gian qua còn một số hạn chế, chưa đạt được như mong muốn của Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Đặc biệt đã xảy ra việc một số đối tượng có dấu hiệu tham nhũng bỏ trốn ra nước ngoài trước khi bị khởi tố vụ án, khởi tố bị can.
 Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm 
Lý giải về điều này, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, do trước đó những đối tượng này chưa bị khởi tố nên cơ quan chức năng chưa thể áp dụng biện pháp ngăn chặn. Cụ thể, các quy định pháp luật chỉ cho phép cơ quan công an thực hiện các biện pháp ngăn chặn đối với bị can, bị cáo nên một số đối tượng tham nhũng bỏ trốn trước khi bị khởi tố.

Sau khi có đủ căn cứ để khởi tố, bắt giữ, cơ quan điều tra đã tiến hành truy bắt theo quy định.

“Việc cơ quan công an chưa áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với các đối tượng nêu trên là thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Sau khi có một số đối tượng bỏ trốn, Bộ Công an đã chỉ đạo các lực lượng chức năng tập trung truy bắt bằng được các đối tượng để phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Trong quá trình điều tra, nếu phát hiện các đối tượng nào tiếp tay cho đối tượng bỏ trốn sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật” - Bộ trưởng Tô Lâm thông tin thêm.

Về nguyên nhân một số vụ án tham nhũng điều tra còn chậm, Bộ trưởng Bộ Công an đưa ra 5 nguyên nhân:

Thứ nhất, do tội phạm tham nhũng có trình độ chuyên môn, có quan hệ rộng, có nhiều thủ đoạn tinh vi che dấu hành vi phạm tội, gây khó khăn cho cơ quan chức năng.

Thứ hai, các vụ án tham nhũng thường do nhiều đối tượng thực hiện có tổ chức, thời gian xảy ra khá lâu mới được phát hiện, hành vi tham nhũng được che đậy dưới nhiều hình thức tinh vi. Các đối tượng thường cất giấu tài sản, hợp lý hoá hoặc tiêu huỷ tài liệu chứng cứ nên công tác điều tra gặp nhiều khó khăn, thời gian điều tra kéo dài.

Thứ ba, việc điều tra tham nhũng có yếu tố nước ngoài thường phải qua công tác tương trợ tư pháp, liên quan đến nhiều cơ quan chức năng nên mất nhiều thời gian.

Thứ tư, công tác giám định tư pháp nhất là giám định tài chính, kế toán, xây dựng còn nhiều vướng mắc, bất cập, thời gian giám định dài. Một số cơ quan, tổ chức, cá nhân được trưng cầu giám định vì nhiều lý do khác nhau đã từ chối giám định hoặc kéo dài thời gian giám định.

Thứ năm, một số văn bản quy định pháp luật về phòng chống tham nhũng chưa chặt chẽ dẫn đến khó khăn trong việc đánh giá thống nhất chứng cứ, phải trả hồ sơ điều tra bổ sung nhiều lần.

Vì vậy, quá trình xây dựng Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, Bộ Công an đã kiến nghị bổ sung Điều 124 về tạm hoãn xuất cảnh. Theo đó, người bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố, qua điều tra xác minh có đủ căn cứ xác định người đó bị nghi thực hiện và xét thấy cần ngăn chặn việc bỏ trốn ra nước ngoài hoặc tiêu hủy chứng cứ thì kiến nghị bổ sung các quy định về giám sát.

Đặc biệt, đối với các đối tượng phạm tội, có dấu hiệu phạm tội liên quan đến kinh tế, tham nhũng thì cho phép được áp dụng các biện pháp tố tụng đặc biệt để xử lý.
Thông tin lấy nội tạng tử tù Nguyễn Hải Dương là thất thiệt

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội về việc cơ quan chức năng cung cấp thông tin cho báo chí đăng tải trước về ngày thi hành án tử hình đối với Nguyễn Hải Dương, Bộ trưởng Công an cho biết, Bộ sẽ kiểm tra lại xem dưới tỉnh như thế nào, vấn đề này phân cấp giao cho tỉnh xử lý.

Thượng tướng Tô Lâm cũng cho hay vừa qua một số trang mạng xã hội đưa tin về việc cơ quan chức năng đã tiến hành lấy nội tạng của tử tù Nguyễn Hải Dương, thông tin này hoàn toàn là tin thất thiệt, báo chí cần kiểm định kỹ thông tin trước khi đăng. Theo Bộ trưởng Bộ Công an, hiện chúng ta cũng chưa có cơ sở pháp lý cho việc tiếp nhận tạng của tử tù.

Liên quan đến vấn đề đăng tải thông tin ngày tử hình Nguyễn Hải Dương, Bộ trưởng cho biết: "Luật pháp không nghiêm cấm việc này, tuy nhiên cũng không nên làm. Bộ sẽ xem xét lại việc này".