Sáng 4/11, tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn các ĐBQH về việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý nhà nước, xây dựng Chính phủ số, chính quyền số; Công tác xây dựng, kết nối, chia sẻ, khai thác các cơ sở dữ liệu quốc gia; Việc tiếp cận thông tin và phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; Việc quản lý thuê bao, đầu số của các nhà mạng; công tác kiểm tra, quản lý các trang mạng, trang thông tin điện tử và nền tảng trực tuyến khác; Việc xử lý các cá nhân, tổ chức có hành vi đăng tải thông tin xuyên tạc, sai sự thật trên các trang thông tin điện tử, thu thập, mua bán trái phép dữ liệu thông tin cá nhân.
Đặt câu hỏi chất vấn, ĐB Đỗ Chí Nghĩa (Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên) cho rằng ngăn chặn tác hại của thông tin xấu độc trên không gian mạng là việc không dễ dàng xử lý. Xử lý trường hợp đưa tin thất thiệt cũng rất vất vả, khó khăn và nếu xử lý không cẩn thận thì có thể dẫn đến tình trạng PR cho người muốn nổi tiếng.
ĐB Đỗ Chí Nghĩa đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp nào triệt để, căn cơ nhất trong khi lực lượng của ngành thông tin truyền thông thì mỏng mà chúng ta có hàng chục triệu tài khoản trên các mạng xã hội, trong đó nhiều tài khoản có địa chỉ ở nước ngoài.
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, việc ngăn chặn thông tin xấu độc thực sự là công việc khó khăn. Theo Bộ trưởng, giải pháp căn bản là cần có sự vào cuộc tích cực, chủ động của mọi bộ, ngành, các tổ chức, các gia đình. Khi toàn bộ xã hội vào cuộc thì mới giải quyết được căn cơ vấn đề này trên không gian mạng.
Tiếp tục tranh luận tại hội trường về vấn đề này, ĐB Đỗ Chí Nghĩa (Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên) cho rằng, trên mạng sẽ khác ở ngoài đời về quản lý theo lãnh thổ, địa giới hành chính. Vì vậy, nếu chúng ta chỉ dùng biện pháp ngăn chặn thông tin và xử lý những tài khoản có vi phạm thì chẳng khác gì khi thực hiện phòng Covid-19 mới đeo khẩu trang, cách ly, phong tỏa… “Tôi cho rằng, giải pháp căn cơ nhất là cần nâng cao sức đề kháng với các thông tin xấu độc” - ĐB Nghĩa nói.
ĐB tỉnh Phú Yên cho rằng, chúng ta cũng cần cho công chúng có thể đọc được nhiều thông tin đa chiều, thông tin phản biện, nhiều thông tin tích cực nhưng mà phải mang tính thuyết phục cao, phải khuyến khích các tờ báo đi thẳng vào vấn đề nóng với một thái độ trách nhiệm, không né tránh và không phải chỉ khen một chiều mới hay.
“Bởi vì thực tế nếu thuốc bổ uống nhiều cũng có thể gây ngộ độc. Quan trọng nhất là phải không uống thuốc độc ngay từ đầu. Nếu để độc hại ngấm vào rồi uống giải độc thì chúng ta chắc chắn mãi mãi sẽ phải chạy theo, rất vất vả” – ĐB Đỗ Chí Nghĩa nói.
Nhất trí với quan điểm của ĐB Đỗ Chí Nghĩa về nâng cao sức đề kháng trước thông tin xấu độc, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nêu quan điểm, cơ quan, tổ chức, cá nhân nào quản lý lĩnh vực này trong không gian thực, thì cũng quản lý trên không gian mạng.
Hiện, Bộ đang đề xuất với Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa nội dung đào tạo kỹ năng số cho học sinh tiểu học, đồng thời cũng tạo lập nền tảng online để học tập, xây dựng kỹ năng cơ bản để học tập, làm việc, sử dụng không gian số. Đây cũng là các bước thực hiện để nâng cao sức đề kháng trước thông tin xấu độc.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nêu rõ, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và mọi người dân trong việc làm sạch không gian mạng, nâng cao sức đề kháng trước vấn nạn tin giả, thông tin xấu độc.