Trao đổi với báo chí tại buổi họp báo, Phó Cục trưởng Cục Hộ tịch (Bộ Tư pháp) Nguyễn Thanh Hải thông tin, Bộ Công an đã cử đoàn cán bộ đến làm việc với Bộ Tư pháp nhằm đẩy nhanh quá trình đồng bộ hóa dữ liệu hộ tịch, quốc tịch, để sớm bỏ sổ hộ khẩu. Bộ Công an quyết định giữ sổ hộ khẩu đến hết năm 2022 là có tính toán, bởi từ nay đến hết năm 2022, hai bộ còn nhiều việc phải làm, trong đó có việc hoàn thiện dữ liệu quốc gia về dân cư.
Phó Cục trưởng Cục Hộ tịch (Bộ Tư pháp) Nguyễn Thanh Hải trả lời tại buổi họp báo |
“Bộ Tư pháp đang tiếp Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) về việc chuyển giao, đồng bộ hóa dữ liệu trong lĩnh vực hộ tịch và quốc tịch. Đợt một họ cử đoàn 10 người nhưng đợt này họ cử đến 30 người nhằm đẩy nhanh hoàn thiện dữ liệu quốc gia về dân cư, đảm bảo thông tin trong dữ liệu quốc gia về dân cư phải thật sự chính xác. Bản thân chúng tôi cũng mong muốn hoàn thành sớm theo Luật Cư trú, không muốn phải chờ đến năm 2022” – ông Hải thông tin.
Về lộ trình bỏ các thủ tục hành chính yêu cầu sổ hộ khẩu, Phó Cục trưởng Cục Hộ tịch cho hay, Bộ Tư pháp đã liệt kê ra 37 thủ tục yêu cầu sổ hộ khẩu và 5 thủ tục liên quan đến quốc tịch. Tuy nhiên, Bộ vẫn cần lấy ý kiến của các bộ, ngành, đơn vị có liên quan, đồng thời, chờ sửa đổi, bổ sung một số luật mới chính thức thay đổi được các thủ tục này.
Trước đó, chiều 13/11, với đa số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Cư trú (sửa đổi). Luật gồm 7 chương, 38 điều và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2021. Theo quy định, sau khi luật có hiệu lực thi hành thì sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú cho đến hết ngày 31/12/2022.