Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Bộ VHTT&DL ủng hộ chủ trương xây dựng hai bảo tàng quan trọng

Kinhtedothi – Theo Bộ VHTT&DL, việc đầu tư, xây dựng Bảo tàng Đảng Cộng sản Việt Nam và xây dựng mới Bảo tàng Công an Nhân dân là hết sức cần thiết nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu, học tập, tham quan, hưởng thụ văn hóa của công chúng.

Việc đầu tư xây dựng là hết sức cần thiết

Bộ VHTT&DL vừa có văn bản số 1630/BVHTTDL-KHTC gửi Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo đó, Bộ VHTT&DL nhận được đề nghị của Văn phòng T.Ư Đảng tại Công văn số 3699- CV/VPTW/nb ngày 21/1/2025 về việc bổ sung quy hoạch Bảo tàng Đảng Cộng sản Việt Nam vào quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và đề nghị của Bộ Công an tại Công văn số 1366/BCA-X03 ngày 11/4/2025 về việc bổ sung quy hoạch Bảo tàng Công an Nhân dân vào quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Bảo tàng Công an Nhân dân số 1 Trần Bình Trọng, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ảnh: BTCAND

Căn cứ quy định của pháp luật về hoạt động quy hoạch và chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ VHTT&DL đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Theo Bộ VHTT&DL, việc đầu tư, xây dựng Bảo tàng Đảng Cộng sản Việt Nam là hết sức cần thiết để sưu tầm, bảo quản, nghiên cứu, trưng bày, giới thiệu về những thành tựu có ý nghĩa lịch sử to lớn trong suốt quá trình hình thành và phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu, học tập, tham quan và hưởng thụ văn hóa của công chúng, nhất là thế hệ trẻ và du khách.

Với Bảo tàng Công an Nhân dân, tại điểm a, mục 1, khoản III, Điều 1 Quyết định số 991/QĐ-TTg ngày 16/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định: “Nâng cấp, hoàn thiện cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật của Bảo tàng Công an Nhân dân” và Bảo tàng Công an Nhân dân hiện nay tại số 1 Trần Bình Trọng, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội (điểm 1.1, Công văn số 793/BXD-QHKT ngày 27/2/2024 của Bộ Xây dựng).

Tuy nhiên, theo Bộ VHTT&DL, để trở thành một thiết chế văn hóa đa năng, tổng hợp và đặc biệt quan trọng của lực lượng Công an Nhân dân, của Thủ đô Hà Nội và quốc gia; trở thành một địa chỉ đỏ phục vụ công tác giáo dục truyền thống, chính trị tư tưởng đối với cán bộ, chiến sĩ, các tầng lớp Nhân dân; trở thành một trong những địa điểm quan trọng góp phần khẳng định tiềm lực, vị thế của Công an Nhân dân và đất nước Việt Nam trên trường quốc tế thì việc xây dựng mới Bảo tàng Công an Nhân dân là hết sức cần thiết. Với quy mô lớn, trang thiết bị tiên tiến hiện đại, bảo tàng có chức năng giới thiệu di sản văn hóa Công an Nhân dân; phản ánh toàn diện, sâu sắc, đa dạng, hấp dẫn về lịch sử và những chiến công tiêu biểu, sự hy sinh anh dũng của lực lượng Công an Nhân dân trong sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc Việt Nam. “Bộ VHT&DL ủng hộ chủ trương xây dựng mới Bảo tàng Công an Nhân dân” – văn bản do Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Tạ Quang Đông ký nêu.

Đề nghị áp dụng điều chỉnh quy hoạch theo trình tự, thủ tục rút gọn

Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (phê duyệt tại Quyết định số 991/QĐ-TTg ngày 16/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ) đề ra phương hướng, nhiệm vụ hoàn thiện và mở rộng mạng lưới bảo tàng với hạt nhân là các bảo tàng quốc gia. Đồng thời ứng thành tựu khoa học kỹ thuật và công nghệ, hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu số hóa các tài liệu, hiện vật, bảo vật quốc gia, tăng cường kết nối, liên kết, chia sẻ dữ liệu giữa các bảo tàng quốc gia với bảo tàng chuyên ngành và các bảo tàng cấp tỉnh. Cùng với đó, đổi mới nội dung và hình thức hoạt động để xây dựng bảo tàng thành trung tâm thông tin về khoa học, văn hóa, lịch sử và điểm đến hấp dẫn, thu hút du khách tham quan và trải nghiệm.

Còn theo Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (theo Quyết định 1569/QĐ-TTg ngày 12/12/2024 của Thủ tướng Chính phủ), về phương hướng phát triển lĩnh vực văn hóa cũng xác định, di dời, chuyển đổi công năng trụ sở một số bộ, ngành, cơ sở sản xuất để mở rộng không gian văn hóa sáng tạo, không gian công cộng, xây dựng Bảo tàng Đảng Cộng sản Việt Nam.

Trên cơ sở đề xuất của Văn phòng T.Ư Đảng và ý kiến các cơ quan liên quan, tháng 12/2024, Bộ Chính trị và Thường trực Ban Bí thư đã có kết luận về chủ trương triển khai thực hiện 3 đề án, dự án, trong đó có đề án xây dựng Bảo tàng Đảng Cộng sản Việt Nam.

Khách tham quan tại Bảo tàng Công an Nhân dân. Ảnh: BTCAND

Theo đó, Bảo tàng Đảng Cộng sản Việt Nam được đặt tại Khu đô thị mới Tây Hồ Tây, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội. Diện tích khu đất nghiên cứu khoảng 100.000m2; diện tích xây dựng khoảng 10.000 - 12.000m2; diện tích sàn xây dựng công trình chính và các công trình phục vụ bảo tàng khoảng 25.000 - 30.000m2; đồng bộ các công trình hạ tầng kỹ thuật, nội thất, ngoại thất, hạng mục cảnh quan, mặt nước... Thời gian thực hiện dự án từ năm 2024 - 2029.

Mục tiêu đầu tư bảo tàng nhằm phản ánh toàn diện, sâu sắc, có hệ thống về sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong tiến trình lịch sử cách mạng Việt Nam và những thành tựu Đảng đã đạt được trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Qua đó, góp phần giúp cán bộ, đảng viên, quần chúng, Nhân dân cũng như bạn bè quốc tế hiểu biết đúng đắn, đầy đủ, sâu sắc về sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam, vai trò lãnh đạo, tổ chức và hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam qua các thời kỳ cách mạng.

Cùng với đó, tuyên truyền, giáo dục cho các thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ về lịch sử vẻ vang của Đảng, khơi dậy lòng tự hào và khích lệ, động viên, nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, Nhân dân trong việc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Với Bảo tàng Công an Nhân dân, ngày 15/6/1967, Bộ Công an ban hành Quyết định số 405/QĐ-CA quy định nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Cục Tuyên huấn, trong đó có Phòng Bảo tàng, đánh dấu sự ra đời của Bảo tàng Công an Nhân dân. Đến nay, bảo tàng đã có một kho tàng đồ sộ với gần 20.000 tài liệu hiện vật, gắn với chặng đường xây dựng và trưởng thành của lực lượng Công an Nhân dân.

Song song với nhiệm vụ đón tiếp khách tham quan trong và ngoài lực lượng Công an Nhân dân, Bảo tàng cũng thường xuyên tổ chức trưng bày chuyên đề, phối hợp tổ chức các hoạt động tuyên truyền quảng bá về lịch sử, văn hóa Công an Nhân dân.

Theo Bộ VHTT&DL, để kịp tiến độ triển khai thực hiện việc điều chỉnh quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ trình Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng việc điều chỉnh quy hoạch theo trình tự, thủ tục rút gọn theo quy định tại khoản 16 Điều 1 Luật số 57/2024/QH15 và khoản 24 Điều 1 Nghị định số 22/2025/NĐ-CP ngày 11/2/2025 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 7/5/2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 58/2023/NĐ-CP ngày 12/8/2023 của Chính phủ.

Trích dẫn
Trích dẫn 1
Theo thống kê của Bộ VHTT&DL, tính đến nay, hệ thống bảo tàng đã phát triển gồm 204 bảo tàng, trong đó 127 bảo tàng công lập, 77 bảo tàng ngoài công lập, đang lưu giữ, phát huy giá trị trên 4 triệu hiện vật. Do đó, cần phải có những quy định cụ thể để tạo hành lang pháp lý thuận lợi nhất cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Công an TP Hà Nội bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình

Công an TP Hà Nội bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ