Bộ Xây dựng bác tin chủ trì gói tín dụng 100.000 tỷ đồng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dư luận đang xôn xao trước thông tin ngành xây dựng chủ trì phối hợp với một số ngân hàng thương mại và các ngành chức năng nghiên cứu Đề án Ngân hàng tái cho vay thế chấp nhà ở với gói tín dụng lên tới 100.000 tỷ đồng để hỗ trợ thị trường bất động sản (BĐS).

Trong lúc gói tín dụng 30.000 tỷ còn chưa được sử dụng hết, nhiều người đã đặt ra câu hỏi, liệu có quá vội vàng khi đưa ra gói hỗ trợ này (?)

 Không đề xuất và không chủ trì

Ông Đỗ Đức Duy - Chánh Văn phòng - Người phát ngôn Bộ Xây dựng đã chính thức khẳng định, thời gian qua, Bộ Xây dựng không đề xuất và cũng không chủ trì nghiên cứu đề án có gói tín dụng 100.000 tỷ đồng hỗ trợ thị trường BĐS. Trong Chương trình xây dựng các đề án, văn bản quy phạm pháp luật trình Chính phủ trong năm 2014, Chính phủ cũng không giao cho Bộ Xây dựng hoặc bộ, ngành nào khác nghiên cứu đề án về hỗ trợ thị trường BĐS với gói tín dụng 100.000 tỷ đồng. Hiện, Bộ Xây dựng và các bộ, ngành, địa phương vẫn đang tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS gắn với thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, đặc biệt là nhà ở xã hội theo đúng tinh thần Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 7/1/2013 của Chính phủ.

 
Một góc Khu đô thị Linh Đàm, quận Hoàng Mai.    Ảnh: Đức Giang
Một góc Khu đô thị Linh Đàm, quận Hoàng Mai. Ảnh: Đức Giang

Cũng theo báo cáo chính thức từ Bộ Xây dựng về kết quả giải ngân của gói tín dụng 30.000 tỷ đồng, tính đến hết ngày 15/2/2014, Ngân hàng Nhà nước đã có các văn bản xác nhận đăng ký hợp đồng cho vay đối với 17 doanh nghiệp với số tiền 1.466,5 tỷ đồng. Các ngân hàng đã giải ngân cho 11 doanh nghiệp với số tiền 536,5 tỷ đồng. 5 ngân hàng đã cam kết cho vay 2.275 khách hàng cá nhân với số tiền là 821,3 tỷ đồng. Trong đó, đã giải ngân cho 2.261 khách hàng với dư nợ 550,5 tỷ đồng.

Được biết, Bộ Xây dựng đang tập trung vào công tác xây dựng chính sách để tạo điều kiện thông thoáng hơn trong việc triển khai thực hiện chính sách phát triển nhà ở xã hội. Tới đây, thủ tục xác nhận mua bán nhà ở xã hội cũng như để vay tiền của ngân hàng sẽ đơn giản hơn nhiều. Về điều kiện thế chấp, Bộ Tư pháp, Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước đã đi đến bản dự thảo cuối cùng về Thông tư thế chấp tài sản trong tương lai. Trong đó, thống nhất hướng dẫn, cho phép người dân và ngân hàng cho phép tài sản thế chấp trong tương lai ở mạng xã hội, thế chấp để vay vốn ngân hàng.

Cẩn trọng trước thông tin

Tại hội thảo “Kinh tế Việt Nam 2014” vừa được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, TS. Lê Xuân Nghĩa - nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia cho biết, gần đây có thông tin Ngân hàng Nhà nước đang tập trung chỉ đạo 4 ngân hàng quốc doanh liên kết với Ngân hàng Xây dựng, do Ngân hàng Xây dựng làm đầu mối, đưa ra gói tín dụng 70.000 tỷ đồng, thậm chí trên 100.000 tỷ đồng, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng quan trọng và phát triển nhà ở cho người có thu nhập trung bình.

Nhiều khả năng, gói tín dụng 100.000 tỷ đồng này đang được cơ quan chức năng nghiên cứu thông qua Đề án "Ngân hàng tái cho vay thế chấp nhà ở". Theo Dự thảo báo cáo đánh giá tác động của Đề án này, cơ quan tái cho vay thế chấp nhà ở thực hiện kênh dẫn vốn để đưa 100.000 tỷ đồng vào việc phát triển an sinh xã hội về nhà ở.

Như vậy, có thể nói thông tin về gói tín dụng 100.000 tỷ đồng còn rất "mông lung". Chưa rõ thực hư và hồi kết - có hay không có gói tín dụng này nhưng dư luận đã bị tác động không nhỏ với thông tin này. Giao dịch mua bán thực tế trên thị trường phần nào bị ảnh hưởng bởi kỳ vọng, hay thậm chí là "ảo vọng" về một thị trường BĐS sẽ sớm sôi động, giá BĐS sẽ "nóng sốt". Có những người đã nâng giá bán nhà, nhiều người ngại ngần trong quyết định mua - bán. Gói tín dụng này cũng đã được nhiều “cò” môi giới BĐS đưa ra để "dụ" khách hàng trong những ngày vừa qua. Thực tế, những thông tin này sẽ tác động không tốt đến thị trường vốn còn ẩn chứa nhiều vấn đề tồn tại chưa thể giải quyết, đặc biệt, sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của người dân.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần