Theo đó, liên quan đến việc khu vực phía tây ga Hà Nội nghiên cứu xây dựng công trình cao tầng, theo Bộ Xây dựng các quy hoạch phân khu do TP lập tại đây chưa được phê duyệt nên chưa có cơ sở xác định chiều cao và số lượng công trình cao tầng.
Kỳ vọng sẽ cải tạo khu vực ga Hà Nội để đô thị văn minh |
Nội dung đồ án quy hoạch phân khu Ga Hà Nội đề xuất cải tạo và xây dựng mới trong phạm vi hơn 98 ha, trong đó xây dựng mới một số công trình cao tầng (từ 40 – 70 tầng, chiều cao tới 200 m), có thể có tác động lớn về giao thông và không gian kiến trúc - cảnh quan đô thị đối với khu vực ga nói riêng và khu nội đô lịch sử Hà Nội nói chung.
Ngoài ra, theo đồ án, hiện trạng dân số khu vực này khoảng 40.300 người, dự kiến sau quy hoạch sẽ tăng lên khoảng 44.000 người (tăng 10%). Việc thực hiện đồ án dự kiến làm tăng một số lượng lớn khách vãng lai đến sử dụng các dịch vụ trong khu vực. Vì vậy, theo Bộ Xây dựng, nên nghiên cứu, dự báo và tính toán kỹ về dân số để đảm bảo không gây ra tình trạng quá tải về cơ sở hạ tầng đô thị, đặc biệt là giao thông. Đồng thời, làm rõ quy mô dự báo nhu cầu giao thông cho từng loại hình giao thông trong khu vực (đường bộ, đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị), đặc biệt là dự báo lưu lượng hành khách của các tuyến đường sắt đô thị số 1, số 3 và tuyến Yên Viên – Ngọc Hồi.“TP Hà Nội cũng cần có giải pháp gắn kết giữa hệ thống đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị và mạng lưới đường bộ, đường hầm đi bộ; giải pháp quy hoạch sử dụng đất, hệ thống hạ tầng kỹ thuật khác nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong quy hoạch và đầu tư xây dựng” – Bộ Xây dựng nhấn mạnh.Trước đó, vào giữa tháng 9, không ít giới chuyên môn về quy hoạch thẳng thắn cho rằng đây là đề xuất dũng cảm của TP Hà Nội. Nếu xét trên lý thuyết, việc phát triển đô thị tập trung quanh nhà ga là xu thế phổ biến và là mô hình tốt. Bản thân nhà cao tầng không có lỗi. Đó là giải pháp lý tưởng cho các đô thị đất chật người đông và những nơi đất đai đắt đỏ. Tuy nhiên, nhà cao tầng nhất thiết phải có cơ sở hạ tầng phù hợp, đặc biệt là hạ tầng giao thông, cụ thể là giao thông công cộng đảm bảo chuyên chở hành khách khối lượng lớn và chuẩn thời gian như tàu điện ngầm, tàu điện, xe buýt nhanh. Vì vậy, cần phải phát triển giao thông công cộng đi trước hoặc ít nhất cũng phải đồng bộ với việc phát triển bất động sản.Với trường hợp Ga Hà Nội, có một khía cạnh nữa hết sức quan trọng, đó là vấn đề di sản và giá trị của không gian đô thị lịch sử. Bản thân Ga Hà Nội là một công trình kiến trúc Pháp kết hợp với một phần mặt tiền cải tạo theo lối hiện đại vào thập niên 70 của thế kỷ trước là một minh chứng cho lịch sử thăng trầm của TP. Khu vực ga cũng là khu vực nội đô lịch sử, với cấu trúc đô thị hài hoà thân thiện con người. Nếu đặt vào đây một tổ hợp kiến trúc quá to, quá cồng kềnh sẽ có thể phá hỏng tổng thể cảnh quan kiến trúc. Điều này đặc biệt quan trọng với Hà Nội, một TP có tới hơn 1.000 năm lịch sử và cần phải thận trọng khi can thiệp vào những khu vực lõi lịch sử này. Với tôi, khía cạnh tôn trọng và bảo tồn di sản đô thị, không chỉ là từng công trình mà cả tổng thể không gian đô thị lịch sử là vô cùng quan trọng.