Chú trọng chất lượng tuyển sinh
ĐH Bách khoa Hà Nội là đơn vị đầu tiên tổ chức kỳ thi riêng để lấy kết quả tuyển sinh đại học năm 2024. Theo đó, ngày 3/12/2023, khoảng 3.000 thí sinh cả nước chính thức tham dự đợt 1 kỳ thi đánh giá tư duy do đơn vị này tổ chức.
Dự kiến, ĐH Bách khoa Hà Nội còn 5 đợt thi đánh giá tư duy tiếp theo tổ chức vào các ngày: 20 - 21/1/2023; 9 - 10/3/2024, 27 - 28/4/2024; 8 - 9/6/2024 và 15 - 16/6/2024 tại các địa điểm: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Nam Định, Nghệ An, Thanh Hóa, Đà Nẵng.
Với ĐH Quốc gia Hà Nội, năm 2024, Trung tâm Khảo thí dự kiến tổ chức 6 đợt thi đánh giá năng lực (HAS), từ tháng 3 – 6/2024 (giảm 2 đợt so với năm 2023), tại 10 địa phương (tăng 3 địa phương) gồm: Hà Nội, Thái Nguyên, Hải Phòng, Nam Định, Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.
Kế hoạch của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, năm 2024, kỳ thi đánh giá năng lực của trường sẽ được tổ chức vào ngày 11/5 tại 2 địa điểm Hà Nội và Quy Nhơn.
Cùng các cơ sở trên, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân đã công bố Đề án tuyển sinh ĐH năm 2024. Năm nay, trường dành 80% chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển kết hợp, hai phương thức còn lại là xét kết quả thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển thẳng được giữ nguyên.
Thông tin kỹ hơn về phương thức xét tuyển kết hợp, nhà trường cho hay: Nếu năm 2023, phương thức xét tuyển kết hợp của trường có 5 đối tượng thì năm nay tích hợp lại thành 2 nhóm. Nhóm 1 không sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển sớm và nhóm 2 sử dụng kết hợp chứng chỉ tiếng Anh quốc tế với điểm thi tốt nghiệp THPT.
Năm nay, trường đã bỏ nhóm 5 xét tuyển kết hợp điểm trung bình chung học bạ của học sinh giỏi trường chuyên và trường trọng điểm quốc gia với điểm thi tốt nghiệp THPT.
PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân lý giải: Công tác tuyển sinh các năm cho thấy, nhóm thí sinh nhóm 5 có học lực rất giỏi và hầu hết đáp ứng các điều kiện khác như có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, điểm thi đánh giá năng lực… Để tránh hiện tượng thí sinh ảo, nhà trường không tuyển theo điểm học bạ để vừa giảm tỷ lệ ảo vừa không gây ảnh hưởng đến kết quả tuyển sinh.
Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cũng có chủ trương mở rộng chỉ tiêu sử dụng kết quả các kì thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy uy tín như đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội (HSA), đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh (APT), đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội (TSA)… để tuyển sinh và giảm phụ thuộc vào kết quả học tập, kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Khối trường ĐH Y dược tốp đầu, trong đó có Trường ĐH Y Hà Nội từ trước đến nay luôn nói không với xét tuyển học bạ trong tuyển sinh.
Các chuyên gia cho biết, việc tăng chỉ tiêu xét tuyển đại học căn cứ kết quả kỳ thi riêng và giảm chỉ tiêu xét tuyển bằng học bạ là xu hướng tất yếu, đúng đắn để tăng chất lượng đầu vào. Tuy vậy, đây mới là cách thức các trường đại học tốp đầu thực hiện và thí sinh cần tìm hiểu kỹ đề án, phương thức tuyển sinh của những trường mình yêu thích.
Hướng đi đúng đắn
Sở dĩ, một số cơ sở giáo dục đại học có những điều chỉnh nhất định trong công tác tuyển sinh 2024 do nhận thấy những ưu điểm của việc xét tuyển bằng kết quả kỳ thi riêng cũng như hạn chế của phương thức xét tuyển bằng học bạ.
Qua việc đánh giá chất lượng sinh viên sau khi kết thúc kỳ học hoặc năm học đầu tiên, nhiều cơ sở cùng nhận định rằng: Phương thức xét tuyển bằng kết quả kỳ thi riêng cung cấp những sinh viên có chất lượng tốt cho các nhà trường.
Ông Trần Bá Trình, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội chia sẻ: Sau 1 năm học, chúng tôi quan sát và thấy sinh viên xét tuyển bằng kết quả thi đánh giá năng lực có 2 ưu điểm chính: Một là tư duy rành mạch, rõ ràng; hai là khả năng thích ứng với môi trường học tập đại học nhanh.
Việc tăng chỉ tiêu và số lượng trường sử dụng kết quả các kỳ thi riêng cũng chứng tỏ sức hút, tầm ảnh hưởng của các kỳ thi này. Số liệu thống kê cho thấy, hiện có hơn 40 cơ sở giáo dục đại học sử dụng kết quả bài thi đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội, 8 trường sư phạm sử dụng kết quả đánh giá năng lực của ĐH Sư phạm Hà Nội và khoảng 150 cơ sở dùng kết quả của hai ĐH Quốc gia để xét tuyển. Ngoài ra, Học viện Kỹ thuật Quân sự - một trường thuộc khối ngành quân đội cũng quyết định dành tỷ lệ chỉ tiêu nhất định cho phương thức xét tuyển dựa vào kết quả thi đánh giá năng lực của 2 ĐH Quốc gia.
Nhận xét về kỳ thi đánh giá năng lực - ĐH Sư phạm Hà Nội, PGS.TS Lưu Trang, Hiệu trưởng Đại học Đà Nẵng cho rằng, đây không chỉ là kỳ thi tuyển sinh đại học thông thường mà ý nghĩa lớn hơn, tác dụng phổ cập hơn là để thay đổi cách dạy và học, bao gồm thay đổi cách đào tạo giáo viên. Hướng thi này rất cần thiết và đóng góp phù hợp với Chương trình Giáo dục phổ thông mới.
Theo đại diện Trường ĐH Nha Trang, trường tuyển bằng điểm học bạ từ năm 2021, kết quả thí sinh trúng tuyển với điểm số rất cao. Tuy nhiên, sau khi kết thúc năm nhất, những sinh viên trúng tuyển bằng học bạ lại có điểm trung bình học tập khá thấp. Ngược lại, những sinh viên trúng tuyển bằng các phương thức khác (trong đó có phương thức xét điểm kỳ thi riêng) có kết quả học tốt, mức độ chênh lệnh giữa điểm thi ĐH và năng lực học không quá lớn. Điều này đặt ra vấn đề cần suy ngẫm và cân nhắc với phương thức xét tuyển bằng học bạ.
Ủng hộ việc bỏ xét tuyển học bạ trong tuyển sinh ĐH, TS Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, cao đẳng Việt Nam cho rằng, trường ĐH sử dụng xét học bạ trong phương thức tuyển sinh có thể gây nên nhiều vấn đề tiêu cực trong chấm điểm, cho điểm ở bậc THPT và hệ quả là khó kiểm chứng năng lực thực tế của học sinh cũng như gây nên tình trạng thiếu công bằng trong xét tuyển.
"Thay vì dùng học bạ để xét tuyển, các trường đại học nên điều chỉnh, coi học bạ là một tiêu chí phụ để bổ trợ cho các phương thức xét tuyển khác thì sẽ hợp lý hơn", Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, cao đẳng Việt Nam chia sẻ.