Tục thờ cá Ông (tức cá voi, cá nhà táng và các loại cá lớn nói chung) là một tín ngưỡng dân gian vùng duyên hải miền Trung và miền Nam Việt Nam từ Thanh Hóa đến toàn bộ các tỉnh ven biển miền Nam. Đây là tín ngưỡng của cư dân vùng biển (vạn chài). Theo cách gọi ngư dân địa phương, tục thờ cá Ông thể hiện tín ngưỡng đặc thù của người dân vùng biển đối với vị thần đã che chở, độ trì cho ngư dân trong các chuyến khai thác hải sản trên biển.
Sau tết nguyên đán 2023, người dân đã tự quyên góp gần 2 tỷ đồng để xây dựng Lăng Ông Duyên Hải. Nơi đây trở thành điểm bảo tồn và duy trì nét độc đáo của tín ngưỡng dân gian vùng biển Nam bộ nói chung và huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu nói riêng.
Có ông, đi biển vững tin
Theo cách gọi ngư dân địa phương, cá Ông hay còn gọi là “Đại tướng quân Nam Hải” rất hiền, được ngư dân tín ngưỡng tôn sùng. Mỗi chuyến đánh bắt thủy sản họ đều có thờ cúng Ông, cầu mong cho chuyến ra khơi được thuận bườm xuôi gió. Đây là tín ngưỡng đặc thù của ngư dân vùng biển đối với vị thần đã che chở, độ trì cho ngư dân trong những chuyến khai thác hải sản trên biển. Nên khi hay tin cá Ông lụy được đưa vào bờ, người dân từ khắp nơi đều đến viếng, an táng, thờ cúng.
Cụ Trần Văn Ven, 81 tuổi, thành viên Ban Quản trị lăng Ông Duyên Hải, đã trông coi lăng 13 năm nay kể lại: “Sáng 21/10/2010 (tức mùng 8 tháng giếng năm Canh Dần) người dân phát hiện một xác cá Ông lụy ngoài khơi cách đất liền 26 hải lý. Sau một ngày đêm trục vớt, sáng 22/10/2010, ngư dân mới đưa xác cá Ông vào bờ biển Cái Cùng (xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình). Hàng chục chiếc tàu ghe nối đuôi nhau đưa cá Ông vào bờ. “Ngư dân tổ chức trống, kèn, cờ hoa và múa lân đưa cá Ông đã lụy vào cửa biển Cái Cùng. Sau đó, địa phương dùng hai cần cẩu lớn để tiến hành nâng xác cá Ông lên trên nền mộ lộ thiên. Cán bộ y tế phun xịt hóa chất khử mùi hôi của cá Ông.”
“Tiếp đến, người dân và chính quyền địa phương tổ chức mai táng Ông Nam Hải (phần da và nội tạng) theo nghi lễ truyền thống của ngư dân miền biển. Từ trước tới giờ tôi cũng chưa thấy cá Ông nào lớn như cá Ông bị lụy được ngư dân đưa vào bờ lần này” - cụ Ven nói.
Theo cụ Ven, trước đây, ngày nay người dân đi biển ít thấy cá Ông, nhưng trước kia ngư dân đi biển thường nhìn thấy cá Ông ngoài biển. Mỗi lần người dân đi biển bị nạn thì gọi cá Ông và cá Ông nổi lên cứu người, nên ngư dân ở đây tin tưởng và thờ cúng Ông. Bởi vậy, trong tâm thức người dân nghề biển, cá Ông là một niềm tin siêu nhiên sẵn sàng nổi lên bảo vệ cứu giúp bà con gặp nạn, và cũng là niềm tin để ngư dân bám biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo.” – cụ Ven chia sẻ.
Điểm du lịch độc đáo
Ngày 8/2/2023, UBND huyện Hoà Bình (tỉnh Bạc Liêu) đã tổ chức khánh thành, đưa vào hoạt động lăng Ông Duyên Hải (là nơi thờ tự, lưu giữ bộ xương cá ông quý lớn nhất khu vực ĐBSCL) tại ấp Vĩnh Lạc xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình. Hàng năm, cứ vào các ngày 8, 9 và 10 tháng Giêng (âm lịch) tại lăng Ông Duyên Hải diễn ra Lễ hội Nghinh Ông, ngày mùng 9 là ngày chính Lễ, vì đây là ngày ngư dân phát hiện cá Ông lụy.
Ông Hồ Văn Linh, Chủ tịch UBND huyện Hòa Bình cho biết: “Việc xây dựng mới và khánh thành Lăng Ông Duyên Hải góp phần phát huy giá trị văn hóa tín ngưỡng đặc sắc của ngư dân vùng biển. Đồng thời, tạo một điểm nhấn du lịch biển của huyện Hòa Bình nói riêng và của tỉnh Bạc Liêu nói chung.”
Tọa lạc tại ấp Vĩnh Lạc, xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu), Lăng Ông Duyên Hải nằm cách trung tâm TP Bạc Liêu hơn 10km về hướng cống Cái Cùng. Nơi đây, ngoài là điểm sinh hoạt tín ngưỡng dân gian trong vùng, được khách du lịch xa gần tìm đến chiêm ngưỡng bộ xương cá Ông kích thước khủng, có chiều dài 16m, vòng bụng 10m, mà còn là một địa chỉ tham quan du lịch độc đáo với lễ hội Nghinh ông tổ chức vào tháng giêng hàng năm.
Lăng Ông Duyên Hải được khởi công vào ngày 1/4/2021 (mùng 9 tháng Giêng năm Tân Sửu). Sau khoảng 2 năm thi công, hạng mục chính của lăng Ông Duyên Hải đã hoàn thành với diện tích là 512m2. Công trình có kinh phí xây dựng khoảng 1,8 tỷ đồng từ xã hội hóa và ngư dân đóng góp.
Cụ Ven cho biết, gần 2 tỷ đồng bà con gần xa đóng góp xây dựng lăng thể hiện lòng thành kính của ngư dân đối với “Nam Hải Đại tướng quân.” Người dân ao ước, ông sẽ phò hộ ngư dân địa phương mưa thuận gió hào, thuận lợi đi biển, quốc thái dân an, người dân an cư lạc nghiệp. Cá nhân người đóng góp sẽ được ông phò hộ làm ăn được may mắn.
Ông Trần Kia, Giám đốc Công ty Duyên Hải Bạc Liêu, người đã đóng góp 1 tỷ đồng cho việc xây dựng Lăng Ông Duyên Hải chia sẻ: “Là người dân Bạc Liêu, cá nhân tôi mong muốn có sự đóng góp để duy trì bảo tồn nét văn hóa dân gian độc đáo của địa phương. Hơn nữa, mong ông sẽ phò hộ giúp bà con ngư dân nơi đây thuận buồm xuôi gió, an tâm làm ăn, bám nghề bám biển.”
Chị Võ Lý Mai Phương, một du khách ở TP HCM cho biết, từ lâu đã nghe về việc Lăng Ông Duyên Hải đang lưu giữ bộ xương cá Ông được xem là quý và lớn nhất khu vực Đồng bằng Sông Cửu long. Hôm nay mới có cơ hội chiêm ngưỡng sự tôn nghiêm và hoành tráng. “Chắc chắn, đây sẽ là điểm du lịch độc đáo thu hút du khách gần xa, nhất là dịp lễ hội của lăng tổ chức từ 8-10 tháng giêng âm lịch. Năm sau tôi sẽ đưa gia đình cùng đến đây”- chị Phương nói.
Mời bạn đọc chiêm ngưởng một số hình ảnh về Lăng Ông Duyên Hải ở Hòa Bình Bạc Liêu, nơi đang lưu giữ bộ xương cá Voi dài 16m, vòng bụng 10m, nặng 15 tấn.