Hòa Bình: tạo đột phá để phát triển du lịch bền vững
Kinhtedothi – Du lịch Hòa Bình có đầy đủ điều kiện để xây dựng, hình thành các sản phẩm hấp dẫn, thu hút được đông đảo khách trong nước, quốc tế đến trải nghiệm, khám phá.
Gia đình chị Đinh Thị Trường, xóm Chiềng, xã Vân Sơn, huyện Tân Lạc với không gian lưu trú homestay Lũng Vân, có thể đón 15 - 20. Để nắm bắt rõ nhu cầu, phương thức phục vụ du khách, đảm bảo phát triển kinh tế gia đình theo hướng du lịch bền vững, chị đã tham gia các lớp hướng dẫn làm du lịch do chính quyền địa phương tổ chức. Nhờ đó, khách đến homestay đều được thưởng thức các món ăn của dân tộc Mường và hài lòng với dịch vụ của homestay.
Đến với huyện Tân Lạc, du khách được hoà mình vào cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, khí hậu luôn mát mẻ về mùa hè. Trên địa bàn có nhiều hang động đẹp như động Nam Sơn được xếp hạng di tích cấp quốc gia, hang Núi Kiến được xếp hạng di tích cấp tỉnh. Ngoài ra có một số thác nước tự nhiên, nhiều điểm tham quan, khám phá, như: đỉnh Lũng Vân, ruộng bậc thang Lũng Vân, đồi quýt cổ Nam Sơn, thung lũng su su Quyết Chiến…

Hòa Bình chú trọng phát triển các loại hình du lịch gắn với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Với mục tiêu xây dựng tỉnh Hòa Bình thành điểm đến hấp dẫn với các sản phẩm du lịch đặc trưng, là trung tâm du lịch lớn của khu vực trung du và miền núi phía Bắc, những năm gần đây, du lịch Hòa Bình đã tạo ra nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn, nhiều loại hình du lịch khác nhau để phát triển du lịch bền vững.
Tỉnh Hòa Bình đã và đang tập trung vào các giải pháp đồng bộ như cải thiện và đầu tư vào cơ sở hạ tầng; đầu tư phát triển giao thông, các khu lưu trú, khu nghỉ dưỡng và các dịch vụ hỗ trợ khác... tạo điều kiện thuận lợi cho du khách. Bên cạnh đó, các dự án xây dựng khách sạn sinh thái, khu nghỉ dưỡng tại các khu vực ven hồ Hòa Bình đang được triển khai, đảm bảo các công trình này đều thân thiện với môi trường và tiết kiệm năng lượng.
Cùng với đó, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hòa Bình cũng đã thông báo kế hoạch phát triển các khu nghỉ dưỡng xanh tại các địa phương có cảnh quan đẹp như Mai Châu, Lương Sơn, giúp du khách có thể tận hưởng thiên nhiên và trải nghiệm lối sống của người dân bản địa.
Phát triển du lịch bền vững cũng đồng nghĩa với việc tích cực thực hiện các biện pháp bảo tồn tài nguyên thiên nhiên. Các khu vực du lịch sinh thái như rừng Thượng Tiến (Kim Bôi), rừng Pu Canh (Đà Bắc), Tòng Đậu (Mai Châu) hay các hồ, thác nước cũng đang được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng nước và bảo tồn hệ sinh thái.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Môi trường Hòa Bình, trong năm 2024, tỉnh đã triển khai các chương trình giảm thiểu ô nhiễm, khuyến khích du khách tham gia bảo vệ môi trường như bỏ rác đúng nơi quy định, bảo vệ động thực vật hoang dã…
Để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên, Ban quản lý các điểm du lịch tại Hòa Bình cũng thường xuyên kiểm tra, giám sát các hoạt động liên quan đến bảo vệ tài nguyên du lịch, bảo vệ rừng đặc dụng, ngăn chặn việc săn bắn các loài chim và động vật hoang dã. Hoạt động bảo vệ môi trường được thông qua các quy định tại các điểm như: không xả rác bừa bãi, bỏ rác vào đúng nơi quy định, sử dụng các dịch vụ du lịch thân thiện với môi trường... nhằm tạo sự chuyển biến và nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, trách nhiệm xã hội của người dân, của doanh nghiệp trong việc giữ gìn, bảo vệ môi trường.
Đơn cử như tại xã Hiền Lương, huyện Đà Bắc, từ khi du lịch phát triển, công tác bảo vệ, phát triển rừng tại xã Hiền Lương từng bước đi vào nề nếp. Diện tích rừng khoanh nuôi tái sinh tăng nhanh, góp phần tích cực vào phát triển du lịch và bảo vệ môi trường. Đặc biệt, từ khi làm du lịch, đời sống bà con đã thay đổi, ý thức người dân được nâng cao hơn về cảnh quan môi trường. Hiền Lương đã về đích nông thôn mới, hiện đang làm nông thôn mới nâng cao, được bà con thực hiện rất nghiêm túc.
Để thu hút thêm nhiều lượt khách đến với Hòa Bình, đồng thời kéo dài thời gian lưu trú và tăng mức chi tiêu của khách, việc xây dựng, tạo ra những sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn có ý nghĩa then chốt. Tỉnh Hòa Bình đang tổ chức triển khai và thực hiện chiến lược, Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Đề án phát triển khu du lịch hồ Hòa Bình thành khu du lịch quốc gia; Đề án xây dựng các xã vùng cao Tân Lạc trở thành khu du lịch cấp tỉnh vào năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình OCOP tỉnh giai đoạn 2021-2025 và Kế hoạch phát triển du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Cùng với đó, ưu tiên các nguồn lực, lồng ghép nguồn ngân sách Nhà nước đầu tư hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông đến các khu, điểm du lịch, nhất là các bến cảng du lịch, tuyến đường ven hồ khu du lịch hồ Hòa Bình để kết nối các điểm du lịch, tạo thuận lợi về giao thông phục vụ nhà đầu tư du lịch, du khách và người dân địa phương; đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng du lịch, có cơ chế, chính sách đặc thù thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực này.
Để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đưa Hòa Bình trở thành một trong các trung tâm du lịch của cả nước và khu vực, trước hết phải đẩy mạnh phát triển các loại hình du lịch gắn với bảo vệ môi trường và phát triển du lịch bền vững, với mục tiêu mang lại lợi ích kinh tế, tạo công ăn việc làm cho xã hội và cộng đồng, trên cơ sở khai thác các nguồn tài nguyên, đồng thời có ý thức tôn tạo, bảo tồn và bảo tồn tính nguyên vẹn các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đảm bảo môi trường trong sạch.
Hiện nay, Hòa Bình ưu tiên cho phát triển du lịch chất lượng cao, bền vững, theo hướng tăng trưởng xanh, chú trọng đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh xã hội hóa, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển du lịch, góp phần phát triển kinh tế xã hội bền vững.

Hòa Bình: không để ai bị bỏ lại phía sau trong hành trình nông thôn mới
Kinhtedothi - Từ chính sách đúng, đến cách làm trúng, Hòa Bình đang dần xóa nhà tạm trên địa bàn toàn tỉnh, không để ai bị bỏ lại phía sau trong hành trình nông thôn mới (NTM).

Sức hút đặc biệt từ du lịch Hòa Bình
Kinhtedothi - Với cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, nhiều thắng cảnh đẹp, nhiều lễ hội truyền thống, bản sắc dân tộc độc đáo và di sản văn hóa đặc sắc, Hòa Bình dần khẳng định tiềm năng phát triển du lịch bền vững, hứa hẹn mang đến những trải nghiệm khó quên cho du khách.

Hòa Bình còn nhiều dư địa để tăng trưởng kinh tế theo kịch bản
Kinhtedothi - Lần đầu tiên tăng trưởng kinh tế của tỉnh Hoà Bình đạt mức 12,76% trong quý I/2025, là tỉnh có tốc độ tăng trưởng chỉ đứng sau tỉnh Bắc Giang. Lãnh đạo tỉnh xác định, tỉnh còn nhiều dư địa để tăng trưởng kinh tế theo kịch bản tăng trưởng đã được UBND tỉnh đề ra.