Hòa Bình còn nhiều dư địa để tăng trưởng kinh tế theo kịch bản
Kinhtedothi - Lần đầu tiên tăng trưởng kinh tế của tỉnh Hoà Bình đạt mức 12,76% trong quý I/2025, là tỉnh có tốc độ tăng trưởng chỉ đứng sau tỉnh Bắc Giang. Lãnh đạo tỉnh xác định, tỉnh còn nhiều dư địa để tăng trưởng kinh tế theo kịch bản tăng trưởng đã được UBND tỉnh đề ra.
Theo báo cáo của Chi cục Thống kê tỉnh Hòa Bình, quý I/2025, GRDP của tỉnh tăng 12,76% so với cùng kỳ năm trước, cao thứ hai cả nước. Trong đó, công nghiệp - xây dựng ước tăng 27,18%, đóng góp 9,92 điểm phần trăm, riêng công nghiệp ước tăng 33,1%, đóng góp 9,4 điểm phần trăm; nông, lâm, thủy sản ước tăng 4,19%, đóng góp 0,76 điểm phần trăm; dịch vụ tăng 5,91%, đóng góp 2,37 điểm phần trăm.
Theo đánh giá, chỉ số tăng trưởng quý I là kết quả của quá trình kiến tạo nhiều năm. Đây cũng là bước đà quan trọng để tỉnh tiếp tục thực hiện các kịch bản tăng trưởng từng quý, hướng tới hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng năm 2025 đạt trên 10%.

Thi công dự án đường liên kết vùng đoạn qua xã Cao Sơn (Lương Sơn)
Lĩnh vực công nghiệp - xây dựng đã có bước tăng trưởng khá và đóng góp vào mức tăng trưởng chung của tỉnh. Ngành công nghiệp chế biến chế tạo quý I ước tăng 9,46%, đóng góp 1,6 điểm phần trăm vào mức tăng chung của tỉnh, trong đó, sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học là mũi nhọn của ngành, ước tính tăng 18,85% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 1,15 điểm phần trăm vào mức tăng chung. Đối với ngành xây dựng, trong quý I đóng góp 0,53 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung, chủ yếu là hoạt động xây dựng các công trình kỹ thuật dân dụng.
Với cơ cấu chiếm khoảng 34,6% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP), sự phát triển của ngành dịch vụ trong quý I có đóng góp tích cực vào mức tăng chung của cả tỉnh, ước tăng 5,91%, đóng góp 2,37 điểm phần trăm. Nguyên nhân chính là do nhiều điểm tham quan du lịch hấp dẫn trên địa bàn đi vào hoạt động. Mặt khác, nhằm thu hút đầu tư du lịch, tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho du khách, tỉnh đã đầu tư các bến cảng, tuyến đường hai bên ven khu du lịch hồ Hòa Bình để kết nối các tuyến, điểm.
Theo ông Nguyễn Khánh Sơn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thống kê tỉnh Hòa Bình, kết quả đạt được không chỉ do các yếu tố làm tăng trưởng đột biến mà là của cả một quá trình kiến tạo nhiều năm. Ngay từ đầu năm, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã sát sao chỉ đạo, yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương rà soát, đánh giá tình hình thực tiễn, nâng cao năng lực phân tích, dự báo, phản ứng kịp thời và có giải pháp hiệu quả. Ngoài ra, UBND tỉnh đã giao chỉ tiêu cụ thể của từng ngành, lĩnh vực, địa phương, đồng thời xây dựng kịch bản tăng trưởng đến từng quý, 6 tháng, năm.
Tiếp đà tăng trưởng quý I, có thể nói, quý II/2025 tỉnh Hòa Bình còn nhiều dư địa để tăng trưởng kinh tế theo kịch bản tăng trưởng đã được UBND tỉnh đề ra. Tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lần thứ 20, khóa XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 diễn ra ngày 2/4, các đại biểu thống nhất cao với 5 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm quý II/2025.
Ông Nguyễn Phi Long, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình nêu rõ, đây là những kết quả tích cực, tạo tiền đề để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị. Để hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, BTV Tỉnh ủy tiếp tục đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền. Tăng cường cải cách hành chính, cắt giảm thời gian thực hiện các thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực quy hoạch, xây dựng, đầu tư, đất đai.
Đối với các dự án ngoài ngân sách Nhà nước, tập trung tháo gỡ khó khăn để khởi công trong năm 2025 (bao gồm các dự án trọng điểm và các dự án khác). Tập trung giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công năm 2025 đạt tối thiểu từ 95% trở lên; đẩy mạnh dịch vụ thương mại, du lịch trên địa bàn tỉnh; tập trung phát triển doanh nghiệp; tăng cường công tác quản lý thu, khai thác hiệu quả nguồn thu, đảm bảo thu đúng, thu đủ, kịp thời các khoản thuế, phí, lệ phí (đặc biệt là các khoản nợ thuế) và thu khác vào ngân sách nhà nước; khẩn trương làm việc với lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về cơ chế vận hành Nhà máy thủy điện Hòa Bình; giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch; đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Đối với nhiệm vụ quan trọng năm 2025, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình đề nghị tiếp tục thực hiện 5 đột phá chiến lược của Quy hoạch tỉnh. Đẩy nhanh tiến độ khởi công các dự án trọng điểm của tỉnh. Đối với dự án đầu tư mở rộng cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình cần rút tối đa các thủ tục hành chính để khởi công dự án vào ngày 01/7/2025; chỉ đạo Thành ủy Hòa Bình phấn đấu hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) toàn tuyến trên địa bàn thành phố trong 90 ngày…
Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu cán bộ chủ chốt đề cao trách nhiệm người đứng đầu, bảo đảm các mục tiêu đề ra; tập trung giải quyết khó khăn, vướng mắc trong triển khai các dự án trọng điểm, đẩy nhanh tiến độ các công trình hạ tầng giao thông quan trọng, có tính liên vùng, hạ tầng đô thị lớn, các dự án hạ tầng văn hóa, xã hội.
Tăng cường huy động nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược. Các sở, ngành, đơn vị được giao đầu mối khẩn trương phối hợp với các bộ, ngành liên quan giải quyết dứt điểm vướng mắc, hoàn chỉnh thủ tục đầu tư xây dựng để khởi công các dự án, đảm bảo kế hoạch theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Hòa Bình: thực hiện hiệu quả nhiệm vụ cải cách hành chính
Kinhtedothi - Xác định cải cách hành chính (CCHC) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, tỉnh Hòa Bình đã tập trung chỉ đạo, đôn đốc, quán triệt thực hiện có hiệu quả các mục tiêu đặt ra.

Hòa Bình: giúp nạn nhân chất độc da cam tạo sinh kế bền vững
Kinhtedothi - Ngày 16/4, tại Hòa Bình, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam tổ chức Hội nghị trao đổi kinh nghiệm công tác 26 tỉnh, thành, hội phía Bắc lần thứ 14.

Sức hút đặc biệt từ du lịch Hòa Bình
Kinhtedothi - Với cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, nhiều thắng cảnh đẹp, nhiều lễ hội truyền thống, bản sắc dân tộc độc đáo và di sản văn hóa đặc sắc, Hòa Bình dần khẳng định tiềm năng phát triển du lịch bền vững, hứa hẹn mang đến những trải nghiệm khó quên cho du khách.