Hòa Bình: thực hiện hiệu quả nhiệm vụ cải cách hành chính
Kinhtedothi - Xác định cải cách hành chính (CCHC) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, tỉnh Hòa Bình đã tập trung chỉ đạo, đôn đốc, quán triệt thực hiện có hiệu quả các mục tiêu đặt ra.
Ngay từ đầu năm 2025, UBND xã Yên Bồng (huyện Lạc Thủy) đã triển khai đầy đủ các nhiệm vụ CCHC theo kế hoạch CCHC của tỉnh. Công tác kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC) được thực hiện nghiêm túc; niêm yết đầy đủ, kịp thời TTHC theo quy định của pháp luật. Cơ sở vật chất Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả xã được đầu tư hiện đại, đảm bảo tiêu chuẩn phục vụ người dân. 100% lãnh đạo và cán bộ chuyên môn được tập huấn sử dụng phần mềm dịch vụ công trên hệ thống dữ liệu điện tử.
Bên cạnh đó, xã thường xuyên cập nhật việc công khai TTHC, kết quả giải quyết TTHC địa chỉ tiếp nhận phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính, CCHC... tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả xã và trên trang thông tin điện tử của xã bảo đảm chính xác, rõ ràng, đầy đủ các TTHC theo quyết định công bố, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho tổ chức, cá nhân tiếp cận, tìm hiểu và thực hiện TTHC, đồng thời cũng là cơ sở, điều kiện để thực hiện quyền giám sát quá trình tiếp nhận, giải quyết TTHC của cán bộ, công chức. Tổ chức hướng dẫn TTHC một phần và toàn trình, tuyên truyền cách thức thực hiện nộp hồ sơ qua dịch vụ công một phần và toàn trình ngay tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả xã.
Đáng nói, để tiếp thu những phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân đối với các TTHC, UBND xã đặt hòm thư góp ý tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cũng như địa chỉ tiếp nhận phản ánh, kiến nghị, số điện thoại đường dây nóng được công khai tại UBND xã. Quý I/2025, tổng số hồ sơ thực hiện qua dịch vụ công trực tuyến một phần và toàn trình 64 hồ sơ, thuộc lĩnh vực tư pháp - hộ tịch, bảo trợ xã hội. Số hồ sơ thanh toán trực tuyến là 34 hồ sơ; không có hồ sơ quá hạn. UBND xã không tiếp nhận đơn phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về thực hiện TTHC.

Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả UBND huyện Đà Bắc tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân đến giao dịch.
Xã Yên Trị (huyện Yên Thuỷ) đã tự xây dựng một bộ cẩm nang TTHC dạng infographic phát đến từng hộ dân. Mỗi thủ tục, từ đăng ký khai sinh đến cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân đều được đơn giản hóa bằng hình ảnh, mã QR, số hotline trực tiếp.
Huyện Lương Sơn luôn chú trọng "3 giảm” là giảm thủ tục, giảm thời gian, giảm chi phí, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp khi đến thực hiện các TTHC.
Theo ông Mai Văn Trường, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Lương Sơn, UBND thị trấn đã phân công cán bộ, công chức thực hiện công tác chuyên môn trực tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả cho công dân. Đồng thời trang bị đầy đủ phương tiện làm việc để phục vụ người dân đến giao dịch. Tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả UBND thị trấn có biển hướng dẫn; niêm yết công khai thời hạn giải quyết từng loại TTHC, mức thu phí của từng loại hồ sơ; thường xuyên cập nhật công khai các TTHC mới, quy định trình tự, thủ tục, thời gian giải quyết hồ sơ theo cơ chế một cửa liên thông để người dân tiện tra cứu, tìm hiểu.
Với phương châm tăng cường công khai giải quyết TTHC trên cả 3 phương diện: thành phần hồ sơ, thời gian giải quyết, phí và lệ phí, huyện Lương Sơn đã đẩy mạnh thực hiện cải cách TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, bảo đảm tính đồng bộ, liên thông trong nội bộ từng cơ quan, đơn vị, nhất là các thủ tục liên quan đến người dân, doanh nghiệp.
Cùng với đó, phần mềm một cửa điện tử được nâng cấp đảm bảo đầy đủ yêu cầu để thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC theo quy định, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện các TTHC. Năm 2024, 100% TTHC được đăng tải đầy đủ, công khai trên trang thông tin điện tử cấp huyện, cấp xã, liên kết đường link TTHC dịch vụ công của tỉnh, các văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời niêm yết tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện, cấp xã; kết quả giải quyết TTHC được công khai, minh bạch. Các thông tin liên quan đến lĩnh vực quy hoạch, thông tin đấu thầu, tuyển dụng... được cập nhật thường xuyên, liên tục, phản ánh đầy đủ các hoạt động trên địa bàn huyện phục vụ tra cứu thông tin của người dân và doanh nghiệp.
Ông Đặng Mai Sơn, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Hòa Bình chia sẻ: "Tỉnh xác định rõ: không có bước đi cụ thể, không có cải cách. Hoà Bình không làm cải cách bằng văn bản, mà bằng hành động”. Năm 2024, tỉnh đã ban hành hàng chục văn bản quan trọng, từ kiểm soát TTHC, đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến, cải thiện các chỉ số như PAPI, PAR Index đến triển khai Đề án 06/CP một cách đồng bộ. Đáng chú ý, mỗi chủ tịch UBND huyện, giám đốc sở phải chịu trách nhiệm cá nhân về tiến độ và chất lượng giải quyết TTHC.
Cũng trong năm 2024, Hội thi tìm kiếm sáng kiến CCHC được tổ chức rộng khắp toàn tỉnh, thu hút hơn 96.000 lượt cán bộ, công chức tham gia. Nhiều sáng kiến từ cơ sở được đánh giá đột phá, như mô hình "Tiếp nhận hồ sơ không giấy tờ” ở huyện Lạc Thủy, "Đánh giá hài lòng người dân qua app Zalo” tại thành phố Hòa Bình… Có 6 sáng kiến được trao giải thưởng cấp tỉnh, trong đó, 3 sáng kiến được áp dụng ngay vào thực tiễn, tiết kiệm thời gian và chi phí cho người dân, doanh nghiệp.
Tại Hòa Bình, một quyết định táo bạo được đánh giá cao là giao chỉ tiêu giải quyết hồ sơ trực tuyến toàn trình cho từng sở, ngành, huyện, xã. Từ "quyền được trực tuyến” trở thành "trách nhiệm phải trực tuyến”, bộ máy công quyền buộc phải thay đổi - từ tư duy đến hành động. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn của cả hệ thống hành chính tỉnh đạt 99,57%, có nơi lên tới 99,78%, biến Hòa Bình từ một tỉnh miền núi trở thành điển hình về tốc độ chuyển đổi số trong hành chính công.
Theo Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Hòa Bình: "Chính nhờ những cải cách từ cơ sở ấy mà tinh thần "hành chính phục vụ" không còn là khẩu hiệu. Nó đã trở thành thói quen mới, một nếp hành xử công quyền văn minh, nơi mỗi cán bộ không còn là "người gác cổng” mà trở thành người hỗ trợ, đồng hành cùng dân”.
Đề xuất giải pháp cải cách hành chính trên cơ sở thực hiện tinh gọn bộ máy
Kinhtedothi-Trên cơ sở thực hiện chủ trương của Đảng về cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong kỷ nguyên mới, TP Hà Nội sẽ đề xuất nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2026-2030.

Chỉ số Cải cách hành chính năm 2024: Giá trị trung bình cao nhất từ trước đến nay
Kinhtedothi-Theo kết quả công bố, Chỉ số Cải cách hành chính (CCHC) năm 2024 của các tỉnh, TP tiếp tục duy trì tăng trưởng tích cực, với giá trị trung bình cao nhất từ trước đến nay, đạt 88,37%. Đây cũng là lần thứ 2 liên tiếp có 63/63 địa phương đều đạt kết quả Chỉ số CCHC trên 80%, trong đó 53/63 địa phương có Chỉ số CCHC tăng so với năm trước.

Hải Phòng đứng đầu toàn quốc về chỉ số cải cách hành chính
Kinhtedothi - Theo công bố mới đây của Bộ Nội vụ, TP Hải Phòng đứng đầu cả nước về chỉ số cải cách hành chính (PAR Index 2024) với 96,17/100 điểm; tăng một bậc so với xếp hạng năm 2023.