Hòa Bình: không để ai bị bỏ lại phía sau trong hành trình nông thôn mới
Kinhtedothi - Từ chính sách đúng, đến cách làm trúng, Hòa Bình đang dần xóa nhà tạm trên địa bàn toàn tỉnh, không để ai bị bỏ lại phía sau trong hành trình nông thôn mới (NTM).
Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát đã tạo được một phong trào thi đua sôi nổi từ cơ sở, tạo gắn kết cộng đồng dân cư, nâng cao tình làng, nghĩa xóm tại Hòa Bình.
Hơn 3 năm qua, Hòa Bình đã xây dựng 1.904 ngôi nhà mới trên những nền đất từng nứt nẻ, từng thấm nước mỗi mùa mưa. Những ngôi nhà được xây bằng ngân sách tỉnh, huyện, Quỹ "Vì người nghèo" và cả bằng lòng dân. Hòa Bình đang dần xóa nhà tạm trên địa bàn toàn tỉnh, không để ai bị bỏ lại phía sau trong hành trình NTM.

Cùng với nguồn kinh phí hỗ trợ từ Quỹ "Vì người nghèo", các tổ chức hội, đoàn thể và cộng đồng đã chung tay giúp hộ gia đình ông Xa Văn Đế, xóm Cháu, xã Tú Lý (Đà Bắc) làm nhà mới.
Theo kết quả khảo sát thực tế các nhà đã bàn giao và đang xây dựng bảo đảm 3 cứng “nền cứng, tường cứng, mái cứng” theo quy định về nhà ở; nhà có diện tích lớn nhất từ 100-110m2, trị giá từ 300-500 triệu đồng chiếm khoảng 10%; nhà nhỏ nhất là từ 35-36m2 (hộ đơn thân) trị giá từ 55-60 triệu đồng; trung bình các nhà đã bàn giao có diện tích dao động từ 50-65m2 giá trị 120-170 triệu đồng (phổ biến) chiếm 80% trở lên.
Chính từ những căn nhà vững chãi đó, tiêu chí số 9 về nhà ở dân cư trong bộ tiêu chí NTM đã được đẩy nhanh tiến độ. Tính đến quý I/2025, 112 xã trong tỉnh đã đạt chuẩn tiêu chí này; nhiều xã vùng sâu, vùng khó vươn lên mạnh mẽ. Tỉ lệ hộ nghèo toàn tỉnh cũng giảm còn 6,59%, và mục tiêu giảm xuống 5,31% trong năm nay hoàn toàn có cơ sở.
Theo thống kê giai đoạn đầu triển khai Chương trình xây dựng NTM, toàn tỉnh có tới 3.194 nhà tạm cần được thay thế. Trong đó, xây mới 2.283 nhà, sửa chữa 911 nhà, rải rác ở khắp các huyện khó khăn như: Đà Bắc, Lạc Sơn, Mai Châu, Tân Lạc.
Nguồn Quỹ xóa nhà tạm cấp tỉnh đã huy động được gần 90 tỷ đồng, trong đó 82,6 tỷ đồng đã được giải ngân trong giai đoạn 2021 đến quý I/2025 để xây dựng 1.488 ngôi nhà mới. Cấp huyện và các địa phương tiếp sức với 284 căn, trong khi chính cộng đồng thông qua đóng góp, vận động và nguồn lực hợp pháp khác đã chung tay dựng thêm 132 mái ấm. Tổng cộng 1.904 căn nhà đã được hoàn thiện trên khắp địa bàn tỉnh.
Quá trình thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát, không chỉ dừng lại ở khẩu hiệu "không để ai bị bỏ lại phía sau”, Hòa Bình đã cụ thể hóa mục tiêu xóa nhà tạm bằng một kế hoạch hành động rõ ràng, dứt khoát và có trọng tâm. Trong đó, nguồn lực tài chính là bước đi đầu tiên, nhưng điều làm nên thành công chính là cách tỉnh huy động được sức dân, khơi dậy được lòng dân.
Bên cạnh đó, Hòa Bình cũng chọn cách triển khai tập trung, không dàn trải, ưu tiên các hộ nghèo vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Việc xét chọn được giao về tận xóm, có giám sát của Mặt trận Tổ quốc và cộng đồng để đảm bảo đúng, đủ, minh bạch. Chính vì thế, mỗi ngôi nhà mới được bàn giao không chỉ là thành quả của chính quyền, mà là dấu ấn của niềm tin giữa Nhà nước và nhân dân. Với nguyên tắc hỗ trợ làm nhà ở đảm bảo công khai, minh bạch, ưu tiên sử dụng vật liệu, lao động sẵn có để giảm bớt chi phí, nhiều địa phương đã học hỏi, vận dụng những cách làm hay, sáng tạo để triển khai hiệu quả chương trình. Người có công góp công, người có của góp của, các đơn vị cung cấp vật liệu hạ giá bán để giảm chi phí xây dựng, cùng một số tiền hỗ trợ căn nhà sẽ đạt chất lượng tốt hơn.
Mỗi căn nhà mới được hoàn thành đã dệt thêm những ước mơ cho mỗi người dân. Và Hòa Bình, từ một tỉnh miền núi còn nhiều thách thức, đang lặng lẽ viết nên câu chuyện nhân văn từ những mái nhà nghĩa tình. Mới đây, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình Nguyễn Phi Long, Trưởng Ban Chỉ đạo xóa nhà tạm, nhà dột nát tỉnh đã giao ban thường vụ các huyện, thành phố phải hoàn thành chương trình trước ngày 30/6. Tập trung tháo gỡ khó khăn cho các hộ gia đình chưa có đất ở, chưa có giấy tờ hợp pháp về quyền sử dụng đất. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hòa Bình làm nòng cốt thường xuyên kiểm tra tiến độ, phân bổ nguồn lực cho các xã để thực hiện chương trình.
Đối với các huyện khó khăn, có số lượng nhà dột nát lớn như: Đà Bắc, Lạc Sơn, Mai Châu, Tân Lạc. Yêu cầu các huyện, thành phố phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để quyết tâm xóa số lượng nhà tạm, nhà dột nát. Khi có nguồn kinh phí, phải nhanh chóng triển khai việc xây mới, sửa chữa số nhà chưa thực hiện; đẩy nhanh tiến độ giải ngân và tiến độ xây dựng nhà tạm, nhà dột nát.

Quảng Ngãi đẩy nhanh tiến độ xóa nhà tạm, nhà dột nát
Kinhtedothi- Quảng Ngãi đặt mục tiêu đến cuối tháng 9 năm nay, toàn tỉnh phải hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát.

Hà Nội: sử dụng nguồn tiết kiệm 5% chi thường xuyên năm 2024 để hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát
Kinhtedothi - UBND TP Hà Nội ban hành Công văn số 1093/UBND-KT về việc sử dụng nguồn tiết kiệm 5% chi thường xuyên năm 2024 để hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Đến 31/10/2025 cơ bản hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước
Kinhtedothi - Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 158/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Phiên họp trực tuyến toàn quốc lần thứ ba của Ban Chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước.