Theo Bộ Y tế, để khẩn trương thực hiện các giải pháp "làm sạch" dữ liệu hàng triệu mũi tiêm chủng Covid-19 đã có thông tin về số định danh cá nhân nhưng chưa thể xác thực (do sai sót các thông tin về họ, tên, ngày, tháng, năm sinh,....) với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Đồng thời, để kịp thời phục vụ cho việc đi lại, giao thương quốc tế của người dân, Bộ Y tế đề nghị các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế; Y tế các Bộ, ngành rà soát, xác thực, bổ sung thông tin sai lệch, còn thiếu của người dân tiêm chủng trên Nền tảng Quản lý tiêm chủng Covid-19, hoàn thành trước ngày 30/4/2022.
Tổ chức rà soát, xử lý dứt điểm các phản ánh của người dân về thông tin tiêm chủng Covid-19 trên Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19 và duy trì việc xử lý phản ánh theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại Công văn số 9458/BYT-CNTT trước ngày 25/4/2022.
Thực hiện ký số toàn bộ đối tượng tiêm chủng đã được xác thực đúng thông tin với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại Công văn số 1908/BYT-CNTT, hoàn thành trước ngày 25/4/2022.
Cùng ngày, Bộ Y tế đã có văn bản gửi UBND tỉnh, TP cũng về việc "làm sạch" dữ liệu tiêm chủng Covid-19 và triển khai ký xác nhận "Hộ chiếu vaccine".
Tại văn bản, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, TP giao Tổ công tác Đề án 06 của các tỉnh, TP chủ trì chỉ đạo thực hiện "làm sạch" dữ liệu tiêm chủng Covid-19 theo Công văn số 1495/BYT-CNTT ngày 24/03/2022 về việc đôn đốc, bổ sung, xác thực thông tin tiêm chủng Covid-19 phục vụ kết nối với cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư. Thời gian hoàn thành trước ngày 5/5/2022.
Chỉ đạo các cơ sở tiêm chủng trên địa bàn: Tổ chức rà soát, xử lý dứt điểm các phản ánh của người dân về thông tin tiêm chủng Covid-19 trên Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19 và duy trì việc xử lý phản ánh theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Thực hiện ký số toàn bộ đối tượng tiêm chủng đã được xác thực đúng thông tin với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Thời gian hoàn thành hai nội dung này trước ngày 30/4/2022.
Cả 2 văn bản này, Bộ Y tế nêu rõ, người đứng đầu các cơ sở tiêm chủng chịu trách nhiệm nếu thông tin tiêm chủng của người dân bị sai sót không được cập nhật kịp thời, ảnh hưởng đến việc cấp hộ chiếu vaccine, phục vụ cho việc đi lại, giao thương quốc tế.
Trước đó, từ ngày 15/4, Bộ Y tế bắt đầu thực hiện ký xác nhận cấp hộ chiếu vaccine cho người dân đã tiêm chủng vaccine phòng Covid-19. Theo số liệu tổng hợp từ hơn 200 cơ sở tiêm chủng, đến nay, gần 500.000 người đã có xác nhận hộ chiếu vaccine.
Hộ chiếu vaccine điện tử là chứng nhận tiêm chủng Covid-19 điện tử do Bộ Y tế cấp cho người dân, sử dụng các tiêu chuẩn do Tổ chức Y tế thế giới và Liên minh châu Âu ban hành, hiện được sử dụng tại 62 quốc gia và trong thời gian tới sẽ có thêm các quốc gia khác sử dụng. Hiện có 19 nước công nhận hộ chiếu vaccine của Việt Nam, gồm: Nhật Bản, Hoa Kỳ, Anh, Australia, Ấn Độ, Belarus, Campuchia, Philippines, Palestine, Maldives, New Zealand, Sri Lanka, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Singapore, Saint Lucia, Hàn Quốc, Iran và Malaysia.