Bộ Y tế khẳng định: F0 không được ra khỏi nhà!

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước nội dung dư luận đang quan tâm, tối 14/3, Bộ Y tế thông tin rõ: Người mắc Covid-19 (F0) cần hạn chế tối đa ra khỏi phòng cách ly, nhưng không được ra khỏi nhà. Khi ra khỏi phòng cách ly phải mang khẩu trang, giữ khoảng cách với những người khác trong nhà.

Ngày 14/3, Bộ Y tế ban hành Quyết định 604/QĐ-BYT về việc ban hành "Hướng dẫn quản lý tại nhà đối với người mắc Covid-19".

Tại mục 5.4 về thực hiện các biện pháp phòng lây nhiễm có nêu rõ: Người mắc Covid-19 và người chăm sóc hoặc người ở cùng nhà với người mắc Covid-19 thực hiện các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng lây nhiễm, như sau:

"Người mắc Covid-19 cần hạn chế ra khỏi nơi cách ly. Khi phải ra khỏi nơi cách ly phải mang khẩu trang, giữ khoảng cách với những người khác".

Đây là một trong những nội dung mới đáng chú ý tại Hướng dẫn mới của Bộ Y tế. Tuy nhiên nội dung này gây ra nhiều cách hiểu khác nhau.

Trước việc dư luận có nhiều cách hiểu này, tối ngày 14/3, Tổ biên tập hướng dẫn của Bộ Y tế đã điều chỉnh lại một số điểm tại Quyết định 604/QĐ-BYT cho rõ, tránh hiểu nhầm:

Theo đó, nội dung trên được nói rõ, cụ thể là: "Người mắc Covid-19 cần hạn chế tối đa ra khỏi phòng cách ly, nhưng không được ra khỏi nhà. Khi ra khỏi phòng cách ly phải mang khẩu trang, giữ khoảng cách với những người khác trong nhà".

Hướng dẫn mới nhất này của Bộ Y tế thay thế Quyết định của Bộ trưởng Bộ Y tế: Số 261 ngày 31/01/2022 ban hành Hướng dẫn quản lý người mắc Covid-19 tại nhà và số 528 ngày 03/03/2022 ban hành Hướng dẫn quản lý tại nhà đối với trẻ em mắc Covid-19.

Hướng dẫn mới nhất này quy định các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng lây nhiễm đối với F0 và người chăm sóc hoặc người ở cùng nhà với F0 như: Người chăm sóc hoặc người nhà ở cùng nhà luôn mang khẩu trang, giữ khoảng cách khi phải tiếp xúc với F0; nơi cách ly giữ thông thoáng, hạn chế chế đề các đồ dùng vật dụng khó làm sạch (thú bông, giấy, bìa...) tại khu vực này.

Rửa tay hoặc sát khuẩn tay thường xuyên. Khử khuẩn các vật dụng và bề mặt tiếp xúc thường xuyên như mặt bàn, tay nắm cửa, các thiết bị cầm tay, bồn cầu, bồn rửa... hàng ngày và khi dây bẩn; phân loại, thu gom chất thải lây nhiễm đúng quy định.

Về chế độ ăn uống, sinh hoạt: Uống nước thường xuyên, không đợi đến khi khát mới uống nước; tăng cường dinh dưỡng: Ăn đầy đủ chất, ăn trái cây, uống nước hoa quả... Không bỏ bữa. Người bệnh ăn uống đủ chất, tăng cường ăn trái cây tươi, rau xanh.

Nên nghỉ ngơi: Đối với người lớn nên vận động thể lực nhẹ (phù hợp với tình trạng sức khỏe), tập thở ít nhất 15 phút mỗi ngày, suy nghĩ tích cực và duy trì tâm lý thoải mái.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần