Bộ Y tế yêu cầu triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh tay chân miệng

Hà Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế đã có Công văn khẩn số 3565/BYT-KCB về việc tăng cường công tác điều trị bệnh tay chân miệng.

Theo hệ thống báo cáo giám sát bệnh truyền nhiễm, trong 5 tháng đầu năm 2023, cả nước ghi nhận 8.995 trường hợp mắc tay chân miệng tại 63 tỉnh, TP. Trong đó có 3 trường hợp tử vong tại Đắk Lắk, Kiên Giang, Long An.

So với cùng kỳ 2022 (12.649/1), số mắc giảm 28%, tử vong tăng 02 trường hợp. Trong đó, ghi nhận cao nhất tại Miền Nam (6.204/2), Miền Bắc (2.007/0), Miền Trung (656/0), Tây Nguyên (130/1).

Để hạn chế đến mức thấp nhất số tử vong do bệnh tay chân miệng, Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị triển khai thực hiện các biện pháp:

Bác sĩ khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện đa khoa Đống Đa thăm khám sức khỏe cho bệnh nhân mắc tay chân miệng.
Bác sĩ khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện đa khoa Đống Đa thăm khám sức khỏe cho bệnh nhân mắc tay chân miệng.

Các đơn vị lập kế hoạch và triển khai thực hiện kế hoạch phòng, chống bệnh tay chân miệng trên địa bàn. Kiểm tra, đánh giá về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, thuốc, hóa chất và vật tư y tế tại cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc bảo đảm sẵn sàng tiếp nhận và điều trị bệnh tay chân miệng.

Cùng với đó, các đơn vị tăng cường công tác theo dõi người bệnh tay chân miệng đang nằm nội trú tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Đặc biệt, trong các ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ cuối tuần để phát hiện, điều trị kịp thời khi ca bệnh có diễn biến nặng lên. Ghi chép hồ sơ bệnh án đầy đủ, chi tiết. Phát hiện sớm, tổ chức hội chẩn và chuyên tuyến kịp thời khi người bệnh có diễn biến bất thường.

Mặt khác, các đơn vị chỉ đạo, kiểm tra và giám sát các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện việc thu dung, điều trị người bệnh theo Hướng dẫn.

Tăng cường các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm trong bệnh viện, phân tuyến điều trị, tổ chức sàng lọc, phân loại người bệnh điêu trị ngoại trú và điêu trị nội trú theo lưu đồ xử trí bệnh tay chân miệng và củng cố nguồn lực cho đơn vị hồi sức bệnh tay chân miệng ở tuyến tỉnh. 

Sở Y tế tham mưu và trình UBND tỉnh, TP các biện pháp tăng cường phòng, chống bệnh tay chân miệng: Công tác truyền thông, bảo đảm đủ trang thiết bị, thuốc, hóa chất và vật tư y tế cần thiết để đáp ứng yêu cầu điều trị.

Các bệnh viện (BV): Bệnh nhiệt đới Trung ương, Nhi Trung ương, Đa khoa Trung ương Huế, Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Nhi đồng TP Hồ Chí Minh, Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, các BV Bệnh nhiệt đới các tỉnh rà soát các điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, thuốc, hóa chất và vật tư y tế tại các đơn vị điều trị bệnh tay chân miệng.

Để tiếp nhận các ca bệnh nặng từ các cơ sộ khám, chữa bệnh trong tỉnh và các tỉnh khác chuyển đến. Tăng cường công tác chỉ đạo tuyến, tập huấn và tổ chức các kíp thường trực cấp cứu sẵn sàng hỗ trợ chuyên môn cho các tỉnh theo địa bàn đã được phân công và khi có yêu cầu hỗ trợ.