Bóc dỡ hàng loạt vụ môi giới nhập cảnh trái phép

Thái San
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Liên tiếp trong thời gian qua, cơ quan công an các tỉnh thành đã triệt phá hàng loạt vụ môi giới nhập cảnh trái phép.

Phanh phui nhiều vụ việc

Theo thông kê của Công an TP Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm 2021, Cơ quan An ninh điều tra đã khởi tố mới 14 vụ án/22 bị can về tội “Tổ chức, môi giới cho người khác nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép”, trong đó có 7 vụ/8 bị can là người nước ngoài, 14 bị can là người Việt Nam. Kết thúc điều tra, chuyển Viện KSND TP Hà Nội đề nghị truy tố 3 vụ/6 bị can đều là người Việt Nam; các bị can này đều vì vụ lợi đã có hành vi tổ chức, môi giới cho người khác nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép.

Quá trình đấu tranh khai thác, cơ quan chức năng đã làm rõ thủ đoạn hoạt động của các đối tượng như sau: Số đối tượng người nước ngoài nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép vào Việt Nam qua đường tiểu mạch. Sau khi nhập cảnh được vào Việt Nam, các đối tượng di chuyển bằng xe ô tô tư nhân, do các đối tượng tổ chức nhập cảnh trái phép bố trí từ trước, về Hà Nội.

4 đối tượng người nước ngoài nhập cảnh trái phép bị lực lượng chức năng Công an TP Hà Nội phát hiện, bắt giữ trên địa bàn quận Hà Đông

Khi về đến Hà Nội, các đối tượng thường lựa chọn những khu chung cư mới được đưa vào sử dụng làm nơi tạm trú, do những khu chung cư này ít dân cư sinh sống, công tác quản lý chưa chặt chẽ, nhiều kẽ hở… và thường xuyên thay đổi chỗ ở (khoảng 2 - 3 ngày/lần)…để đối phó với sự kiểm tra phát hiện của cơ quan chức năng.

Các đối tượng dùng thủ đoạn tổ chức cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam bằng thị thực hợp pháp trước, hình thức thông qua các công ty của Việt Nam mời chuyên gia vào Việt Nam làm việc. Sau khi hết cách ly y tế, họ sẽ liên hệ thuê nhà ở rồi đón người nước ngoài khác nhập cảnh trái phép vào ở cùng. Quá trình sinh sống tại Việt Nam, đối tượng nhập cảnh hợp pháp sẽ chịu trách nhiệm đi mua đồ dùng sinh hoạt cho nhóm đối tượng người nước ngoài nhập cảnh trái phép vì số người này thường hạn chế ra ngoài, chỉ sinh sống trong phòng để tránh bị cơ quan chức năng phát hiện.

Khi có kiểm tra phòng ở thì đối tượng nhập cảnh hợp pháp sẽ yêu cầu các đối tượng nhập cảnh trái phép lẩn tránh ra ngoài để không bị phát hiện. Một số đối tượng sử dụng danh nghĩa công ty, lợi dụng sự thông thoáng trong xét duyệt hồ sơ gia hạn thị thực, hồ sơ cấp giấy phép lao động cho chuyên gia là người nước ngoài, để làm thủ tục gia hạn thị thực (thị thực du lịch 1 tháng hoặc thị thực chuyên gia có giấy phép lao động 2 năm), bảo lãnh khống (không tổ chức tour du lịch, không làm việc cho doanh nghiệp) cho các đối tượng người nước ngoài ở lại Việt Nam trái phép.

Ngoài ra, thời gian gần đây, một số người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam theo diện visa du lịch, sau đó, do có phát sinh nhu cầu ở lại làm việc nên được các đối tượng trung gian, môi giới tổ chức cho ở lại Việt Nam trái phép dưới danh nghĩa chuyên gia, nhà quản lý, nhà đầu tư, làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô. Người nước ngoài nhập cảnh trái phép thường thông qua mạng Internet (phần mềm wechat) để liên hệ với trung gian, môi giới, công ty cho thuê nhà và sử dụng chứng minh nhân dân của người Việt Nam không quen biết để làm thủ tục thuê nhà, không liên hệ trực tiếp với chủ nhà để tránh bị phát hiện là người nước ngoài.

Tại Thanh Hóa, 6 tháng đầu năm 2021, lực lượng công an tỉnh đã phát hiện 717 công dân Thanh Hoá và 22 người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Thanh Hoá; đồng thời rà soát, phát hiện 58 trường hợp xuất cảnh trái phép, đi lao động bất hợp pháp ở nước ngoài...

Cảnh báo thủ đoạn làm giả tài liệu cho người nước ngoài

Cơ quan công an cảnh báo, tình trạng làm giả và sử dụng con dấu, tài liệu giả đang diễn biến hết sức phức tạp, tinh vi, xâm phạm nghiêm trọng đến hoạt động quản lý Nhà nước trên lĩnh vực hành chính. Đặc biệt, nhiều người nước ngoài vào Việt Nam làm ăn, đầu tư, sinh sống nhưng không tiến hành đăng ký làm thủ tục ở các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền mà gián tiếp thông qua các đối tượng chuyên tổ chức đường dây nhập cảnh trái phép bằng thủ đoạn làm giả các giấy tờ, tài liệu liên quan như căn cước công dân (CCCD), sổ hộ khẩu…, sau đó các đối tượng tiến hành làm các giấy chứng nhận đầu tư, giấy đăng ký DN, mở các tài khoản tại các ngân hàng.

Tối 2/5, lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ 46 đối tượng người Trung Quốc tại 9 phòng trong chung cư Florence 28 Trần Hữu Dực (phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm)

Vụ án sau đây là một ví dụ điển hình: Công an phường La Khê (quận Hà Đông) tiến hành kiểm tra hành chính, phát hiện có người Trung Quốc cư trú tại đường Ngô Quyền, phường La Khê, Hà Đông.  Quá trình kiểm tra, đối tượng xuất trình 1 CMND mang tên Nguyễn Văn A, SN 1977, quê quán Phúc Kiến, Trung Quốc do Công an Điện Biên cấp ngày 20/12/2018 và 1 CCCD cùng tên do Cục Cảnh sát ĐKQL cư trú DLQG về dân cư cấp ngày 25/10/2019.

Kết quả xác minh ban đầu cho thấy có dấu hiệu tội “Tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép” và tội “Làm giả con dấu tài liệu của cơ quan tổ chức”, quy định tại Điều 348 và Điều 341, Bộ luật Hình sự 2015.  Công an quận Hà Đông đã chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc đến Cơ quan An ninh điều tra - Công an TP Hà Nội để tiến hành điều tra, xác minh làm rõ.

Quá trình điều tra, Cơ quan An ninh điều tra - Công an TP Hà Nội đã thu giữ các loại giấy tờ giả bao gồm: CMND, Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn và các bản trích lục khai sinh của A cùng vợ con. Qua đó, xác định đối tượng người Trung Quốc (có chứng minh giả là Nguyễn Văn A) nhập cảnh tên thật là Vương Long A (sinh năm 1976, trú tại tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc)...

Tránh bị các đối tượng lợi dụng

Trước những thủ đoạn hết sức tinh vi của các đối tượng, qua công tác điều tra, khám phá các vụ án, vụ việc có liên quan đến tội phạm tổ chức, môi giới cho người khác nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép nêu trên, Công an TP Hà Nội đề nghị các cá nhân, tổ chức có nhà cho thuê, kiểm tra kỹ thông tin đối tượng thuê nhà trước và sau khi bàn giao nhà để tránh bị các đối tượng lợi dụng đưa người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào cư trú. Đồng thời, đề nghị Nhân dân, khi phát hiện có người nước ngoài nhập cảnh trái phép hoặc cư trú trái phép trên địa bàn, cần thông báo ngay với công an cấp cơ sở, nơi có người nước ngoài đang lưu trú, để có biện pháp xử lý kịp thời.

Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, trường hợp cơ quan chức năng kiểm tra và phát hiện những người nước ngoài nhập cảnh trái phép và cư trú trái phép ở Việt Nam sẽ xem xét từng hành vi vi phạm pháp luật của từng đối tượng để có hình thức xử lý nghiêm minh phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam. Với hành vi nhập cảnh, cư trú trái phép sẽ bị xử phạt hành chính đối với người vi phạm.

Đối với người tổ chức, môi giới cho người khác nhập cảnh, cư trú trái phép tại Việt Nam sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu cơ quan chức năng phát hiện nhóm đối tượng này sang Việt Nam để thực hiện các hoạt động tội phạm tùy vào hành vi cụ thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội phạm mà các đối tượng đã và đang thực hiện. Trong trường hợp cơ quan điều tra có căn cứ cho thấy trong số những người này đã có người từng bị xử phạt hành chính về hành vi nhập cảnh phải ở lại Việt Nam trái phép thì lần này người vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 347 Bộ luật Hình sự với hình phạt có thể lên đến 3 năm tù...

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần