Ngày 25/3, tập đoàn sản xuất máy bay Mỹ cho biết họ đã mời hơn 200 phi công, các chuyên gia kỹ thuật và các nhà làm luật của chính phủ tới tham dự một buổi tọa đàm trong nỗ lực chia sẻ những thông tin liên quan tới kế hoạch tái triển khai dòng Boeing 737 MAX.
Boeing sẽ tổ chức buổi tọa đàm vào ngày 27/3 tới trong nỗ lực chia sẻ những thông tin liên quan tới kế hoạch tái triển khai dòng Boeing 737 MAX. |
Cuộc gặp này đồng nghĩa với việc bản cập nhật phần mềm đối với dòng máy bay này sắp hoàn tất, dù cho nó phải được Cục quản lý Hàng không Mỹ FAA thông qua.
Gói cập nhật phần mềm sẽ ra mắt 3 hãng hàng không Mỹ gồm: American Airlines, Southwest Airlines và United Airlines tại nhà máy sản xuất máy bay Boeing ở TP Renton, bang Washington.
Trong một tuyên bố công bố ngày 25/3, Boeing cho hay, cuộc gặp tại Renton vào ngày 27/3 tới là một phần kế hoạch của hãng này trong việc gặp gỡ tất cả những hãng hàng không và các cơ quan quản lý địa phương đang và sẽ sử dụng dòng 737 MAX.
Gói cập nhật này được phát triển sau tai nạn chuyến bay JT610 của hãng hàng không Indonesia Lion Air hồi tháng 10/2018 làm 189 người thiệt mạng. Các nhà điều tra nhận định Hệ thống Tăng cường Tính năng Điều khiển (MCAS) mới xuất hiện trên dòng 737 MAX là nguyên nhân dẫn tới tai nạn.
Cuộc điều tra cho thấy một cảm biến bị lỗi và cung cấp dữ liệu về góc tấn sai, khiến MCAS tự động kích hoạt và ra lệnh cho máy bay chúi mũi xuống. Các điều tra viên cho biết phi công cố gắng vô hiệu hóa hệ thống điều khiển tự động và can thiệp để nâng mũi máy bay lên, nhưng MCAS vẫn tiếp tục hoạt động cho đến khi chiếc 737 MAX 8 lao xuống biển.
Mức độ an toàn của dòng 737 MAX càng bị nghi ngờ sau vụ rơi chuyến bay ET302 của Ethiopian Airlines hôm 10/3 làm 157 người chết, dẫn tới lệnh ngừng bay toàn cầu với dòng phi cơ này.
Giám đốc điều hành hãng hãng không Garuda Airlines của Indonesia , ông Ari Askhara hôm 25/3 nói với Reuters rằng hãng cũng được Boeing mời tham gia cuộc họp tọa đàm trong tuần này.
Trước đó, hôm 22/3, hãng hàng không Garuda Airlines đã thông báo hủy đơn đặt hàng mua 49 máy bay phản lực Boeing 737 Max 8 trị giá hàng tỷ USD với lý do tập đoàn sản xuất máy bay của Mỹ đã đánh mất lòng tin của hành khách sau 2 vụ tai nạn hàng không trong vòng 6 tháng.
Theo người phát ngôn Ikhsan Rosan, Garuda đã nhận 1 trong số 50 chiếc của đơn hàng này và hiện hãng đang thảo luận với Boeing về việc hãng có thể trả lại chiếc máy bay đã nhận hay không.