Theo đó, Quy định này thay thế Thông tư số 26/2012/TT-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành Quy chế bồi dưỡng thường xuyên GV mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên.
Quy định gồm: Tổ chức bồi dưỡng thường xuyên, đánh giá và công nhận kết quả bồi dưỡng thường xuyên GV, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông và GV trung tâm giáo dục thường xuyên.
Bồi dưỡng thường xuyên trong quy định mới cần đảm bảo nguyên tắc: Đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ năm học, chuẩn nghề nghiệp, vị trí việc làm và nhu cầu phát triển của cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên của địa phương và ngành giáo dục.
Bảo đảm đề cao ý thức tự học, bồi dưỡng liên tục tại cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên, việc lựa chọn chương trình bồi dưỡng theo yêu cầu của chuẩn nghề nghiệp, vị trí việc làm của GV, cán bộ quản lý.
Thực hiện phân công, phân cấp và cơ chế phối hợp trong tổ chức bồi dưỡng thường xuyên bảo đảm thiết thực, chất lượng, công khai, minh bạch, hiệu quả.
Chương trình bồi dưỡng thường xuyên thực hiện theo các Chương trình bồi dưỡng thường xuyên do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành gồm: Chương trình bồi dưỡng thường xuyên GV, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non; Chương trình bồi dưỡng thường xuyên GV, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông; Chương trình bồi dưỡng thường xuyên GV trung tâm giáo dục thường xuyên.
Thực hiện bồi dưỡng bằng phương pháp tích cực, tăng cường tự học, phát huy tính tích cực, chủ động và tư duy sáng tạo của GV, cán bộ quản lý; Tăng cường thực hành tại cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên; Thảo luận, trao đổi, chia sẻ thông tin, kiến thức và kinh nghiệm giữa báo cáo viên với GV và cán bộ quản lý, giữa GV với nhau và giữa cán bộ quản lý với nhau.
Có 3 loại hình tổ chức bồi dưỡng thường xuyên gồm tập trung, từ xa và bán tập trung.
Cơ sở giáo dục thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng thường xuyên gồm cơ sở giáo dục bồi dưỡng GV (trường sư phạm, cơ sở giáo dục có khoa sư phạm, cơ sở giáo dục được phép đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo); Cơ sở giáo dục bồi dưỡng cán bộ quản lý: Trường sư phạm, cơ sở giáo dục đại học có khoa quản lý giáo dục, cơ sở giáo dục được phép đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục.
GV, cán bộ quản lý giáo dục được hưởng nguyên lương, các khoản phụ cấp, trợ cấp (nếu có) và các chế độ, chính sách khác theo quy định trong thời gian thực hiện kế hoạch bồi dưỡng thường xuyên.