Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025: thực hiện phương châm “4 đúng”, “3 không”, “2 tăng cường”

Kinhtedothi – Là năm đầu tiên tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Bộ GD&ĐT lưu ý các địa phương thực hiện phương châm “4 đúng”, “3 không”, “2 tăng cường” tại kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025.

Năm 2025, kỳ thi tốt nghiệp THPT tổ chức cho 2 đối tượng thí sinh với 2 bộ đề thi (theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và Chương trình giáo dục phổ thông 2006). Điều này đặt ra yêu cầu đặc biệt đối với công tác coi thi, sắp xếp phòng thi, ra đề, in sao đề thi và tổ chức kỳ thi.

Liên quan đến đề thi, với thí sinh thi theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (đang học lớp 12), đề thi có thể được in trên một tờ A3 (in 2 mặt), in đủ với số lượng thí sinh trong phòng thi. Ví dụ phòng thi có 10 thí sinh thi môn hóa học thì in đề thi từ mã 01 đến mã 10.

Còn với đề thi dành cho thí sinh thi theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006, đề thi vẫn được in trên khổ giấy A4 như mọi năm. Số lượng đề thi được in đủ theo 24 mã đề.

Toàn cảnh buổi tập huấn. Ảnh: Nguyễn Mạnh

Tại hội nghị tập huấn nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 diễn ra ngày 27/5, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng đề nghị các hội đồng thi cần chuẩn bị kỹ lưỡng, từ sớm, từ xa, không để khoảng trống trong công tác tổ chức kỳ thi.

Trong công tác thanh tra, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng lưu ý phải đặc biệt lường trước và rà soát kỹ lưỡng, chi tiết mọi tình huống có thể phát sinh trong mọi khâu bởi chỉ một sơ suất nhỏ của cán bộ coi thi hay một hành vi cố ý vi phạm của thí sinh cũng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn bộ công tác tổ chức kỳ thi đã được ngành giáo dục dày công chuẩn bị.

“Tất cả các khâu cần được chuẩn bị, triển khai một cách kỹ lưỡng, chu đáo, có đánh giá kỹ tình hình, không để bị động; không cần tạo căng thẳng không cần thiết nhưng bắt buộc phải dự liệu đầy đủ các phương án và nội dung có thể phát sinh” - Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh.

Tại hội nghị tập huấn, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT đề nghị phổ biến kỹ những nội dung cốt lõi nhất, lưu ý nội dung dễ phát sinh tiêu cực, dễ nảy sinh rủi ro. Ngoài ra, các địa phương lưu ý phương châm “4 đúng”, “3 không”, “2 tăng cường” đã được quán triệt từ kỳ thi trước. “4 đúng” là: đúng quy chế và hướng dẫn thi; đúng và đủ quy trình; đúng vị trí, chức trách nhiệm vụ được giao; đúng thời điểm để kịp thời xử lý tình huống, sự cố bất thường. “3 không” là: không lơi là, chủ quan; không căng thẳng, áp lực thái quá; không tự ý xử lý tình huống, sự cố bất thường. “2 tăng cường” là: tăng cường tinh thần trách nhiệm, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ tham gia tổ chức kỳ thi; tăng cường tinh thần tự giác, thực hiện đúng Quy chế của thí sinh.

Lãnh đạo Bộ GD&ĐT đề nghị cần tập huấn sớm, kỹ lưỡng với phương châm, nguyên tắc, yêu cầu bắt buộc là tất cả chủ thể tham gia kỳ thi đều phải nghiên cứu, nắm chắc Quy chế. Riêng cán bộ tham gia công tác thanh tra, kiểm tra phải nắm kỹ hơn, sâu hơn và chủ động giải quyết những vấn đề bất thường.

Công tác tập huấn cần đúng nội dung, kỹ lưỡng, chu đáo, không phải làm hình thức. Tập huấn để có kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ làm tốt công tác kiểm tra, thanh tra; mục tiêu cao nhất là không để xảy ra vấn đề và khi xảy ra thì bảo đảm giải quyết theo đúng Quy chế, quy trình, bảo đảm an ninh trật tự, không làm ảnh hưởng đến quyền lợi thí sinh, hình ảnh của ngành, cũng như công sức mà cả hệ thống chăm lo cho kỳ thi.

Thêm 11 học sinh được miễn thi tốt nghiệp THPT 2025

Thêm 11 học sinh được miễn thi tốt nghiệp THPT 2025

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ