Lớp học có sự tham gia của hơn 100 học viên là lãnh đạo, cán bộ, công chức thuộc Sở Du lịch Hà Nội; các phòng phụ trách lĩnh vực du lịch cấp quận, huyện, thị xã; một số xã, phường trọng điểm về phát triển du lịch; các điểm di tích; các đơn vị cung cấp dịch vụ liên quan đến du lịch trên địa bàn TP.
Có thể nói những năm gần đây ngành du lịch Hà Nội đạt tốc độ tăng trưởng khá ấn tượng, đặc biệt là tốc độ tăng trưởng khách du lịch quốc tế. Năm 2017, khách quốc tế đến Hà Nội đạt xấp xỉ 5 triệu lượt, tăng 23% so với năm 2016. 9 tháng đầu năm 2018, khách quốc tế đến Hà Nội đạt 4,28 triệu lượt, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2017.
Những năm qua, du lịch Hà Nội được nhiều trang website du lịch, truyền hình và báo chí quốc tế uy tín trên thế giới đánh giá tích cực. Tiêu biểu như Travel and Leisure (Mỹ), Smart Travel Asia (HKG) bình chọn Hà Nội đạt danh hiệu Top 10 điểm đến du lịch hấp dẫn nhất châu Á. Tripadvisor liên tiếp bầu chọn Hà Nội là điểm đến hấp dẫn thứ 2 châu Á và trong top 10 thế giới 2 năm 2016 và 2017.
Tại lớp bồi dưỡng, các học viên đã được nghe bà Nguyễn Thị Thanh Hương – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch trao đổi chuyên đề: ''Đổi mới công tác quản lý nhà nước về du lịch khi thực hiện Luật Du lịch 2017''. |
Đặc biệt, TP Hà Nội đã được Tổ chức giải thưởng Du lịch thế giới (World Travel Awards) đề cử là 1/17 ứng cử viên của hạng mục “Điểm đến TP hàng đầu thế giới 2018”. Đây cũng là đánh giá khách quan, tích cực cho thấy Hà Nội là điểm đến an toàn, thân thiện, chất lượng, hấp dẫn.
Tuy vậy, ông Trần Đức Hải - Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội vẫn thẳng thắn nhìn nhận: Nguồn nhân lực du lịch hiện chưa đáp ứng kịp với tốc độ tăng trưởng, nhất là ở khối các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch. Theo thống kê sơ bộ hiện nay, các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn TP Hà Nội có khoảng 120 người (bao gồm công chức Sở Du lịch; viên chức phụ trách xúc tiến du lịch thuộc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch; công chức kiêm nhiệm quản lý du lịch tại UBND các quận, huyện, thị xã). Nhìn vào con số trên, chưa bàn về chất lượng, chỉ riêng số lượng nguồn nhân lực quá nhỏ đã trở thành một sức ép lớn, một bài toán khó đối với ngành du lịch.
Ngày 16/01/2017, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; trong đó, nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực du lịch là một trong những giải pháp trọng tâm, yếu tố cấu thành giúp đưa ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Nghị quyết 06/NQ-TU ngày 26/6/2016 của Thành ủy Hà Nội về phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo cũng đã đề ra mục tiêu đến năm 2020 đào tạo, bồi dưỡng nghề, bồi dưỡng kiến thức du lịch cho 100% nhân viên làm việc trong các cơ sở dịch vụ và cán bộ quản lý du lịch.
Ông Trần Đức Hải - Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội đề nghị các cán bộ quản lý du lịch các quận, huyện, thị xã, đơn vị đặc biệt quan tâm đến vấn đề ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nhà nước về du lịch. |
Hướng tới thực hiện mục tiêu trên, trong những năm qua ngành Du lịch Hà Nội luôn coi công tác đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, quản lý, lao động du lịch là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng năm của ngành.
Theo lãnh đạo Sở Du lịch Hà Nội, năm 2018 là năm đầu tiên thực hiện Luật Du lịch 2017 nên việc cập nhật, bồi dưỡng kiến thức quản lý càng phải được đề cao. Lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước về du lịch năm 2018 sẽ góp phần hạn chế những khó khăn, vướng mắc, sai sót trong quá trình triển khai Luật Du lịch 2017 tại các đơn vị, cơ sở. Đồng thời, giúp các cán bộ quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn Thủ đô cập nhật những văn bản quy phạm pháp luật mới trong lĩnh vực du lịch; nâng trình độ, kiến thức và kỹ năng kết nối, xây dựng sản phẩm du lịch; kỹ năng triển khai thực hiện ứng xử văn minh trong hoạt động du lịch trên địa bàn TP Hà Nội; hiểu biết về nghiệp vụ Lễ tân, Khánh tiết…
Tại lớp học, ông Trần Đức Hải đề nghị lãnh đạo, cán bộ quản lý du lịch tại các quận, huyện, thị xã cần đặc biệt quan tâm đến 3 nhóm công việc chính. Thứ nhất, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nhà nước về du lịch; chuyển hình ảnh, thông tin, các ấn phẩm định dạng số hóa về Sở Du lịch Hà Nội để cập nhật, tích hợp và đăng tải trên trang thông tin điện tử của Sở. Thứ hai, đảm bảo môi trường du lịch, gồm cả môi trường hoạt động, kinh doanh dịch vụ du lịch và an ninh, an toàn, tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch. Thứ ba, đẩy mạnh liên kết, phối hợp để xây dựng và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch tại địa phương.