BoJ bơm thêm tiền: Đá ném ao bèo?

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Trong lúc sự hứng khởi từ gói nới lỏng định lượng thứ 3 (QE3) của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) suy giảm nhanh chóng, việc Ngân hàng T.Ư Nhật Bản (BoJ) ngày 19/9 bổ sung thêm 10.000 tỷ Yen vào quỹ mua nợ tài sản đã trở thành lực đẩy mới cho các thị trường toàn cầu.

Động thái ngoài dự kiến của BoJ sau 2 ngày tranh luận đã nâng tổng giá trị của chương trình thu mua nợ và tài sản lên 80.000 tỷ Yen, được các chuyên gia nhận định là lực đẩy mới giúp nền kinh tế lớn thứ ba thế giới trở lại quỹ đạo tăng trưởng. Thông tin này đã lập tức tác động tích cực tới các thị trường chứng khoán châu Á trong ngày giao dịch 19/9, chỉ số MSCI châu Á – Thái Bình Dương đã tăng 0,5% lên 123,77 điểm, hướng đến mức cao nhất kể từ ngày 4/5. Chỉ số Nikkei của Nhật Bản đã có phiên tăng điểm cao nhất trong 4 tháng qua, trong khi tại Trung Quốc, sắc xanh cũng tràn ngập hai thị trường chứng khoán chủ chốt là Thượng Hải và Hong Kong với kỳ vọng Chính phủ Trung Quốc sẽ sớm đưa ra các biện pháp kích thích kinh tế mới.

BoJ bơm thêm tiền: Đá ném ao bèo? - Ảnh 1

Thị trường chứng khoán Nhật Bản có thêm động lực để “bật xanh”.

Hai tuần sau khi Ngân hàng T.Ư châu Âu (ECB) công bố chương trình mua trái phiếu "không giới hạn" của các quốc gia  khó khăn trong khu vực, cả 3 nền kinh tế hàng đầu thế giới là Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu, Mỹ, Nhật Bản đã thực hiện những bước đi nhằm cắt giảm nợ công, kích thích tăng trưởng, cải thiện thị trường việc làm. Mặc dù, thị trường tài chính toàn cầu đã có phản ứng tích cực trước những quyết định trên nhưng các chuyên gia cho rằng, động thái này chẳng khác nào "ném đá ao bèo". Trên thực tế, quyết định được ban hành sau hơn 1 năm tranh luận của ECB và ngay cả khi FED công bố ban hành QE3 sau hơn 2 năm án binh bất động cũng chỉ giúp các sàn chứng khoán thế giới duy trì sắc xanh trong vài ngày. Vì thế, động thái bơm thêm tiền của BoJ sẽ chỉ phát huy tác dụng trong ngắn hạn do kinh tế Nhật Bản đang phải đối mặt với quá nhiều vấn đề. Tình trạng giảm phát kéo dài đã đe dọa sức mạnh thật sự của nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới. Trong khi đó, việc hơn 500 doanh nghiệp Nhật Bản tại Trung Quốc đã phải tạm thời đóng cửa đã tạo nên những nguy cơ mới đối với trao đổi thương mại trị giá tới 340 tỷ USD song phương. Sự bất ổn trên chính trường trong nước và trở ngại từ quá trình tái thiết đất nước sau thảm họa động đất, sóng thần năm 2011 cũng tác động tiêu cực đến sức cạnh tranh của Nhật Bản.