Chiều nay 28/3, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) tổ chức buổi toạ đàm báo chí thông tin về công tác khắc phục hậu quả bom mình sau chiến tranh tại Việt Nam. Theo Bộ LĐTB&XH, số bom mìn, vật liệu chưa nổ còn nằm rải rác tại 63/63 tỉnh, TP trong đó tập trung nhiều tại các tỉnh miền Trung. Từ năm 1975 đến nay, bom mìn tồn sót phát nổ đã làm hơn 40.000 người bị chết, 60.000 người bị thương, trong đó phần lớn là những lao động chính trong gia đình và trẻ em. Còn theo Bộ Tư lệnh Công binh, riêng số bom, đạn quân đội Mỹ đã sử dụng trong chiến tranh Việt Nam khoảng 15.350.000 tấn, tỉ lệ bom, đạn chưa nổ chiếm khoảng 5% số lượng bom, đạn đã sử dụng (theo các tài liệu nước ngoài là 10%).
Bằng nguồn tài trợ quốc tế, Trung tâm Hành động khắc phục hậu quả bom mình Việt Nam (VBMAC) năm 2016 đã thực hiện thành công dự án “Xây dựng hệ thống quản lý thông tin hành động khắc phục bom mình tại Việt Nam”.Theo đó, dự án “Rà phá bom, mình, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh tại một số địa phương của tỉnh Quảng Trị” có giá trị gần 1,5 triệu USD, đã rà phá, làm sạch bom mìn, vật nổ trên tổng diện tích 690 ha với độ sâu 5m tính từ mặt đất hiện tại trở xuống đảm bảo an toàn tuyệt đối về người và trang thiết bị. Đã có 1.645 quả bom, mìn, vật nổ đã thu gom và xử lý từ dự án này, trong đo có nhiều loại bom mìn rất nguy hiểm như bom bi, bom cam, đạn M79, bom MK-82, đạn xuyên, đạn cối, đạn phốt pho, đạn chất độc.
Dự án rà phá bom mình, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh tại các huyện Kỳ Anh, Hương Sơn, Can Lộc (Hà Tĩnh) có tổng kinh phí 4 triệu USD do VBMAC thực hiện từ năm 2015 đến 2017, rà phá, làm sạch bom mìn, vật nổ trên tổng diện tích 2.550 ha đất bị ô nhiễm. Đến nay dự án đã rà phá, làm sạch được 905 ha đất bị ô nhiễm bom mìn, thu gom được hàng trăm quả bom mìn, vật nổ các loại. Trong đó có một số quả bom cỡ lớn : bom MK84, khối lượng 900 kg, bom M117 khối lượng 337 kg, bom MK82 khối lượng 226 kg, bom bi, đạn pháo, đạn cối....Tại buổi toạ đàm, ông Nguyễn Hạnh Phúc nêu ra 3 khó khăn trong việc khắc phục hậu quả bom mìn. Nguồn lực là khó khăn lớn nhất. Hiện nay, nguồn lực để rà phá bom mìn chủ yếu từ trong nước, hỗ trợ nước ngoài rất ít. Trong khi các quốc gia khác khắc phục hậu quả bom mìn thường nhận được hỗ trợ từ nước ngoài. Thứ nữa, kỹ thuật và công nghệ xử lý bom mìn sau chiến tranh của chúng ta rất yếu và kém. Trong khi biến động địa chất làm cho những quả bom mìn nằm rất sâu dưới lòng đất buộc chúng ta phải có kỹ năng, công nghệ và trang bị hiện đại mới lấy được. Khó khăn này cũng làm chậm lại việc khắc phục bom mìn sau chiến tranh. Thứ ba, chính là tư duy xã hội. Có những quả bom mìn chưa nổ nằm đâu đó trong rừng nhưng người dân không nhận thức được nó là của nhà nước, lại mang về gây hậu quả khôn lường. Vì thế, chúng ta cần giáo dục ý thức trách nhiệm cho người dân trong việc khắc phục hậu quả sau chiến tranh.
Tại 7 tỉnh miền Trung (Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi và Bình Định) có trên 22.800 nạn nhân bom mìn, trong đó 10.540 người chết, 12.260 người bị thương. |
Chương trình Hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn giai đoạn 2016 – 2020, tầm nhìn đến năn 2025 đề ra 8 nhiệm vụ. Trong đó, sẽ thành lập Trung tâm Cơ sở dữ liệu bom mìn quốc gia và chi nhánh cấp vùng, tại một số tỉnh đi vào hoạt động theo đúng chức năng; hỗ trợ dụng cụ chỉnh hình và phục hồi chức năng cho khoảng 1.000 nạn nhân bom mìn; hỗ trợ sinh kế học nghề cho khoảng 1.000 nạn nhân bom mìn; hỗ trợ sinh kế cho khoảng 500 nạn nhân bom mình tái hoà nhập cộng đồng.... |