Thành tựu và tồn tại
Những năm qua, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng tại nhiều địa phương trên cả nước, các đô thị lớn đã có đóng góp rất lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, tạo lập diện mạo mới cho đất nước.
Riêng về hạ tầng giao thông đã có những thành tự rất đáng ghi nhận. Kết cấu hạ tầng giao thông đã được xây dựng đồng bộ bao gồm cả đường bộ, đường sắt, hàng không và đường thủy. Mạng lưới giao thông đã chú ý tới liên kết khu vực, liên kết vùng và cả quốc gia. Trong phát triển đã tiếp cận được với xu thế hiện đại của thế giới như đường sắt đô thị, đường trên cao với áp dụng công nghệ mới trong quản lý.
Song bên cạnh thành công đạt được đã bộc lộ một số tồn tại trong hệ thống giao thông. Đó là mạng lưới giao thông phát triển chưa tương ứng với phát triển đô thị, gia tăng dân số. Tỷ lệ đất dành cho giao thông (với hệ thống đường bộ, giao thông tĩnh) còn thấp so với quy chuẩn đô thị lớn, nhất là đô thị đặc biệt. Ví dụ đối với Hà Nội cần 20 - 25% diện tích đất xây dựng đô thị trung tâm dành cho diện tích đất giao thông, nhưng đến nay mới chỉ đạt khoảng 12%. Riêng về giao thông tĩnh cần 3 - 4% diện tích, song đến nay chỉ đạt 0,4%.
Vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) chưa thu hút người dân, nên càng gây áp lực về giao thông. Như tại Hà Nội VTHKCC cần đạt 30 - 35% nhu cầu đi lại trong đô thị trung tâm, song đến nay, dù đã có nhiều loại hình giao thông công cộng, mới chỉ đạt 20%.
Cơ cấu phương tiện giao thông chưa hợp lý, phương tiện giao thông cá nhân tăng quá mức dự kiến. Nếu như năm 2018, Hà Nội mới chỉ có 5,5 triệu xe máy, 60 vạn ô tô, thì sau 5 năm đã tăng tới gần 7 triệu xe máy và 1 triệu ô tô (chưa kể tới xe ngoại tỉnh vào Hà Nội). Có tình trạng này một phần do dân số tăng quá mức dự báo, song cũng do chưa quản lý gia tăng phương tiện một cách hiệu quả.
Chưa có chính sách đặc thù để thu hút nguồn lực đầu tư xây dựng mạng đường giao thông, bến, bãi đỗ xe... Chưa áp dụng công nghệ mới, nâng cao năng lực để tạo hiệu lực trong quản lý, thanh tra, xử lý vi phạm. Bên cạnh đó việc nâng cao nhận thức về văn hóa giao thông của cộng đồng dân cư chưa đạt hiệu quả như mong muốn.
Trong giai đoạn tới, với định hướng tốc độ đô thị hóa cao và đòi hỏi tất yếu của quá trình hội nhập, sẽ tiếp tục tạo sức ép lớn về phát triển hạ tầng, xử lý ô nhiễm môi trường. Để thực hiện mục tiêu giảm ùn tắc, ô nhiễm môi trường, một trong những hướng đột phá với Hà Nội là phải tiếp tục phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng với trọng tâm ưu tiên phát triển hạ tầng trọng yếu về giao thông, nhất là với các đô thị lớn và liên kết vùng.
Ưu tiên giao thông công cộng
Để đảm bảo phát triển bền vững hệ thống giao thông đô thị, Hà Nội cũng như các TP lớn rất cần quan tâm đến một số vấn đề chính. Trước tiên là mỗi đô thị có nhu cầu phát triển mạng lưới giao thông vận tải phù hợp với thực tiễn, song phải gắn kết với cả hệ thống quy hoạch đang thực hiện. Đó là các quy hoạch tổng thể Quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành Quốc gia và quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành.
Phát triển hạ tầng giao thông phải đồng bộ, hiện đại, dễ tiếp cận để đảm bảo yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu đi lại của người dân; đảm bảo hợp lý và khả thi, chú trọng đến yêu cầu trước mắt và định hướng lâu dài.
Với các đô thị lớn cần chú trọng khai thác không gian ngầm, giao thông liên vùng, khép kín các tuyến đường vành đai, đường xuyên tâm, thông suốt hệ thống đường nội bộ, đường sắt đô thị…
Ưu tiên phát triển giao thông công cộng để giảm thiểu gia tăng phương tiện giao thông cá nhân, khuyến khích theo định hướng TOD. Đây là bài học kinh nghiệm từ nước ngoài, song mỗi nước có mô hình khác nhau. Để áp dụng với Việt Nam cần nghiên cứu đồng bộ với phân bố dân cư đô thị và quỹ di sản đô thị. Mặt khác các đô thị lớn cần chú trọng ngay đến phát triển giao thông tĩnh.
Để đạt được những mục tiêu đó cần bốn nhóm giải pháp lớn. Thứ nhất là về quy hoạch. Hiện TP đang đổi mới hệ thống quy hoạch với yêu cầu tích hợp đa ngành, song để phát triển, giao thông cần đồng bộ với quy hoạch chung và quy hoạch chuyên ngành giao thông vận tải cấp tỉnh.
Thứ hai, để tạo đột phá về giao thông, với các đô thị lớn cần xây dựng chính sách đặc thù. Thủ đô Hà Nội đang hoàn thiện Dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi, trong đó đã có chính sách đặc thù về phát triển giao thông. Từ chính sách đặc thù lại cần có hệ thống văn bản pháp luật đồng bộ để cụ thể hóa.
Thứ ba là định hướng phát triển giao thông đồng bộ, ưu tiên giao thông công cộng với loại hình vận tải khối lượng lớn và trung bình. Nhiều đô thị lớn đã xác định trọng tâm là phát triển đường sắt đô thị. Đây là xu thế khoa học, song rất cần xây dựng hệ thống kỹ thuật đặc thù để gắn với ứng dụng phù hợp thực tế từng đô thị, nhất là khi áp dụng mô hình TOD.
Thứ tư, là chú trọng phát triển giao thông tĩnh. Thực trạng áp lực về giao thông tĩnh vừa qua cho thấy bất cập từ việc chưa kiểm soát được gia tăng dân số và phương tiện cá nhân. Muốn giải bài toán giao thông tĩnh cần chú trọng đến phát triển không gian ngầm, có những cơ chế, chính sách đặc thù, ưu tiên trong áp dụng công nghệ mới, tạo thuận lợi để giải quyết điểm nghẽn về các dự án giao thông tĩnh, nhất là bãi đỗ xe ngầm tại Hà Nội.
Muốn phát triển bền vững, mỗi đô thị nhất là các đô thị lớn cần phải xác định khâu đột phá là phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng với trọng tâm là hệ thống giao thông. Chỉ như vậy mới từng bước giải quyết được áp lực về giao thông.
Việt Nam là Quốc gia sớm hình thành đô thị, song đến nay tỷ lệ đô thị, đô thị hóa còn thấp hơn so với trung bình của thế giới. Đến cuối 2023 tỷ lệ đô thị hóa của cả nước chỉ đạt khoảng 42% với 902 đô thị, bao gồm 2 đô thị đặc biệt: Hà Nội và TP Hồ Chí Minh; 22 đô thị loại I, 35 đô thị loại II, 46 đô thị loại III, còn lại là đô thị loại IV và V. Theo định hướng phát triển đến 2025 cả nước phải đạt tối thiểu 45% tỷ lệ đô thị hoá với 950 - 1.000 đô thị.