Nhờ tay thành phố
Navibank Sài Gòn chính thức tung cờ trắng do cuộc khủng hoảng kinh tế. Họ không thể tiếp tục ném tiền vào bóng đá khi tình hình kinh doanh đang gặp nhiều vấn đề. Ngặt một nỗi, họ không thể chuyển giao đội bóng cho doanh nghiệp khác bởi có "điên" mới nhảy vào bóng đá lúc này.
Cuối cùng, họ đành phải nhờ cậy vào giải pháp mang tên bao cấp. Quả bóng được chuyền về cho LĐBĐ TP. HCM. Và dù không hề muốn, nhưng LĐBĐ TP. HCM cùng lãnh đạo Sở VHTT&DL phải nhảy vào chữa cháy. Một kế hoạch cứu đội bóng đã được phác thảo theo hướng, TP. HCM sẽ nuôi Navibank Sài Gòn bằng bầu sữa ngân sách cùng sự hỗ trợ của các doanh nghiệp.
Navibank Sài Gòn sẽ tồn tại hay không?
Tất nhiên, để được sở hữu gói cứu trợ khẩn cấp và thoát khỏi cảnh phải giải tán thì Navibank Sài Gòn cũng phải tự điều chỉnh theo hướng thích ứng với cảnh nghèo khó. Ngân sách hoạt động của đội bóng một năm chỉ gói gọn trong khoảng từ 27 - 30 tỷ đồng. Con số này không bằng 50% ngân khoản mà Ngân hàng Navibank hàng năm bỏ ra nuôi đội bóng.
Có nghĩa là từ mùa giải mới, nếu được thành phố nuôi nấng thì đội bóng sẽ phải đổi tên, giảm lương, giảm thưởng và trở lại với cuộc sống của bóng đá thời bao cấp.
Bóng đá liên doanh
Ngân hàng Bắc Á đã gửi tối hậu thư cho lãnh đạo tỉnh Nghệ An rằng phải hỗ trợ họ nuôi đội bóng. SHB cũng tuyên bố bán, hoặc giải thể đội trẻ để dồn sức cho đội 1.
Chưa hết, bầu Hiển cũng muốn khai thông nguồn sữa ngân sách vốn đã bị tắc mấy năm qua để đổi lại việc tiếp tục đồng hành với bóng đá Đà Nẵng. Và tại Thanh Hóa, sau một vài lần giận dỗi đệ đơn từ chức, bầu Đệ đã nhận được điều mình mong muốn, đó là ngân khoản 60 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh. Và nếu cộng thêm các khoản tiền thu từ tài trợ và các doanh nghiệp trong tỉnh, Thanh Hóa sẽ có khoảng 80 tỷ đồng để chi tiêu.
Tại Hải Phòng, đại gia một thời là Xi măng Hải Phòng đang đưa ra những yêu sách để tiếp tục đầu tư cho bóng đá. Họ đang được đề nghị tiếp nhận đội bóng Hà Nội để Hải Phòng có đội bóng ở giải chuyên nghiệp. Tuy nhiên, lãnh đạo doanh nghiệp muốn nhận được nhiều hơn sự hỗ trợ từ thành phố. Trước đây, mỗi năm Xi măng Hải Phòng nhận được khoảng 12 tỷ đồng từ ngân sách.
Nay, họ muốn bầu sữa ngân sách chảy dồi dào hơn. Và khi chưa đạt được thỏa thuận về tài chính với lãnh đạo thành phố, kế hoạch chuyển giao đội Hà Nội về Hải Phòng tiếp tục bị trì hoãn.Có một thời, bóng đá Việt Nam coi việc thoát ly khỏi ngân sách là cái đích để hướng tới.
Nhưng nay, ngay cả đội bóng từng được coi là hình mẫu của chuyên nghiệp cũng kêu gọi sự hỗ trợ từ ngân sách, đó là ĐTLA. Tại cuộc họp tổng kết mới đây, bầu Thắng hồ hởi tuyên bố đã tìm được đường binh để cứu đội bóng qua cơn bĩ cực. Đó là ngân sách tỉnh, sự hỗ trợ của các doanh nghiệp sẽ cùng với ĐTLA nuôi đội bóng trong vài năm tới. Xem ra, bóng đá Nhà nước đang được coi là cứu cánh của các đội bóng hiện nay.