Bóng dáng “ma men” vẫn luẩn quẩn

Thế Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ dịp giáp Tết Nguyên đán Nhâm Dần (2022) tới nay, lực lượng cảnh sát giao thông toàn quốc đã xử phạt hàng nghìn tài xế vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông.

Lực lượng CSGT tiến hành lập biên bản tạm giữ phương tiện do lái xe đã vi phạm nồng độ cồn.  
Lực lượng CSGT tiến hành lập biên bản tạm giữ phương tiện do lái xe đã vi phạm nồng độ cồn.  

Thực tế cho thấy, bóng dáng “ma men” sau tay lái vẫn quẩn quanh, đe dọa sự bình yên trên mỗi con đường. Mỗi khi Tết đến Xuân về lại có hàng trăm lý do để nhiều người chúc tụng, mời mọc nhau uống rượu bia, thậm chí uống đến say xỉn. Đa số người dân đã nâng cao ý thức, không điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi đã có cồn trong máu. Nhưng bên cạnh đó vẫn còn không ít người “cố” trên bàn nhậu rồi lại cố cầm tay lái. Hậu quả của những chén rượu cố ấy là không ít vụ tai nạn nghiêm trọng, khiến nhiều người tử vong, hoặc thương tật vĩnh viễn, trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội.

Sau khi Nghị định 100/2019/NĐ-CP với mức phạt hành chính đối với vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông tăng cao kịch trần, phần lớn người dân đã biết sợ, biết từ chối chén rượu cốc bia trên bàn tiệc. Thực tế đó cho thấy, việc giáo dục, tuyên truyền văn hoá giao thông, đi kèm với xử phạt nghiêm có tác dụng rất mạnh mẽ. Tuy nhiên, một bộ phận không nhỏ người dân vẫn chưa có ý thức, vẫn ỷ vào “quan hệ”, hay tiền bạc mà quên mất trách nhiệm thượng tôn pháp luật của mình. Có trường hợp bất chấp tất cả, cố tình vi phạm vì nghĩ có người xin xỏ hộ, hoặc chi tiền làm luật để được bỏ qua.

Cá biệt, có nhiều trường hợp lái xe kinh doanh vận tải còn tàng trử, sử dụng cả ma tuý khi đang làm việc, tự biến mình thành “tử thần” trên xa lộ. Những người này phải chăng cũng có tư duy: Tội vạ đâu đã có ông chủ bà chủ lo lót?

Cần nhìn nhận thẳng vào thực tế rằng thông tin về việc xử phạt vi phạm nồng độ cồn, ma tuý trong lúc tham gia giao thông đã được đưa khá đậm nét trên báo chí, mạng xã hội, qua nhiều kênh tuyên truyền khác nữa. Nhưng đâu đó vẫn còn những người giữ nếp nghĩ cũ - pháp luật có thể “làm luật”, vi phạm ngang nhiên, bất chấp tất cả.

Tồn tại trong tư duy, nếp nghĩ cũng là một trong những trở ngại rất lớn trong cuộc chiến đẩy lui thói hư tật xấu trong văn hoá giao thông. Chừng nào còn có hiện tượng “xin - cho”, còn cách nghĩ ngày Tết nể nang nhau sẽ còn những người cố thêm một chén rồi ân hận một đời; bóng dáng “ma men” sau tay lái còn quanh quẩn trên những con đường, là mối đe doạ nghiêm trọng với trật tự, an toàn giao thông.

Muốn triệt để xoá đi bóng ma này, lực lượng chức năng cần mạnh tay hơn nữa, quyết liệt và kiên trì hơn nữa trong tuần tra, xử phạt. Cần cho những người vẫn giữ nếp nghĩ cũ, thiếu ý thức tôn trọng luật pháp, coi thường an nguy của cộng đồng thấy rõ rằng xã hội văn minh không có chỗ cho những thói hư tật xấu tồn tại.

Và quan trọng hơn hết là mỗi người dân cần tự nâng cao ý thức, nhận thức, biết giữ gìn cho bản thân, gia đình và cả cộng đồng xã hội, bớt một chén rượu vì hạnh phúc của bao người.