Bóng sắp lăn vẫn không ngừng đổi chủ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chỉ còn vài ngày nữa, trận Siêu Cúp QG giữa Hà Nội T&T và Ninh Bình sẽ diễn ra, chính thức khởi đấu cho mùa giải mới.

Thế nhưng, dường như các đội bóng vẫn chưa thể tìm được sự ổn định sau cuộc đại khủng hoảng. Công cuộc tái cơ cấu, thay tên đổi chủ vẫn tiếp tục diễn ra.Không chịu nổi nhiệt

Hôm nay, CLB Hà Nội sẽ tiến hành các thủ tục cần thiết với VFF, VPF nhằm chính thức thay đổi chủ sở hữu. Công ty CP Nhựa Quang Huy, đơn vị quản lý đội bóng trong một năm qua đã chính thức rút lui để nhường sân cho một đơn vị mới vốn được chống lưng bởi 5 cổ đông mạnh vốn là những doanh nghiệp bất động sản, vật liệu xây dựng.

 
CLB Hà Nội (phải) sẽ được đầu tư mạnh mẽ sau khi chuyển giao. Ảnh: Phan Tùng
CLB Hà Nội (phải) sẽ được đầu tư mạnh mẽ sau khi chuyển giao. Ảnh: Phan Tùng

Việc Nhựa Quang Huy bỏ bóng đá được dự báo từ trước khi mà tiềm lực của doanh nghiệp này không thật sự lớn. Mặc dù đã nhận được sự hỗ trợ tối đa từ UBND TP Hà Nội về tài chính và cơ chế, nhưng trong bối cảnh mà nền kinh tế có nhiều khó khăn, kế hoạch tìm kiếm tài trợ cho đội bóng của Nhựa Quang Huy bị phá sản. Họ buộc phải chuyển giao đội bóng cho những doanh nghiệp mạnh hơn cũng là điều dễ hiểu.

Trước đó, bóng đá nước nhà cũng chứng kiến cuộc chia tay đầy tiếc nuối của Xi măng Hải Phòng với bóng đá đất Cảng. Trong 5 năm gắn bó với bóng đá, Xi măng Hải Phòng đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng, biến đội bóng thường xuyên quen với cảnh trụ hạng thành một thương hiệu đầy sức mạnh của bóng đá quốc nội. Thế nhưng, khó khăn trong kinh doanh buộc doanh nghiệp này phải cắt giảm chi phí. Họ quyết định trả đội bóng cho TP Hải Phòng. Trước sức ép của dư luận, Hải Phòng đã thành lập một công ty cổ phần bóng đá với sự góp mặt của vài doanh nghiệp. Nhưng tiềm lực tài chính của công ty này thế nào đến nay vẫn là dấu hỏi khi mà đội bóng vẫn chưa có những chuyển động tích cực.

Sẽ có những cuộc chia tay?

Trong cuộc họp Ban Chấp hành VFF mới đây, các nhà lãnh đạo của nền bóng đá nước nhà đã có chung nhận định rằng, nguy cơ vẫn chưa hết. Có nghĩa là nhiều khả năng, bóng đá sẽ tiếp tục chứng kiến những cuộc tháo chạy của các doanh nghiệp. Có lẽ vì điều này mà VFF đã quyết định không truy quá gấp về tiêu chí tài chính tối thiểu của các đội bóng. Nghĩa là các đội bóng chỉ cần cam kết có đủ tiền chơi bóng đá chứ không cần chứng minh năng lực tài chính thông qua những con số cụ thể.

Bên cạnh việc động viên các doanh nghiệp tiếp tục gắn bó với bóng đá thông qua một chính sách tài chính tiết kiệm, VFF đã xác định quan điểm, chấp nhận rủi ro nếu có CLB nào bỏ giải. Thậm chí họ còn thống nhất đưa ra những kế hoạch nhằm ứng phó với khủng hoảng. Theo đó, Ban Tổ chức giải phải có phản ứng linh hoạt, không tạo ra những cái cớ để đội bóng bỏ giải như đã từng xảy ra với trường hợp của Xuân Thành Sài Gòn trong mùa giải trước.Bên cạnh đó, VFF cũng yêu cầu VPF phải tăng cường năng lực tìm kiếm tài chính để có thể hỗ trợ kinh phí cho các đội bóng dự giải. Và nếu xảy ra tình thế không mong muốn, VFF sẽ đi theo phương án, có bao nhiêu, chơi bấy nhiêu chứ không đôn các đội bóng ở hạng dưới lên cho đủ số lượng như đã từng làm trước đây.