Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bớt chi, nuôi dưỡng nguồn thu để giảm nợ công

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng, muốn giảm nợ công phải tìm cách giảm chi, hạn chế những dự án đầu tư kém hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho DN và người dân làm ăn nhằm nuôi dưỡng nguồn thu.

Bớt chi, nuôi dưỡng nguồn thu để giảm nợ công - Ảnh 1Nợ công tăng gấp đôi

Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB) mới đây, đến năm 2016, nợ công của Việt Nam ở mức 63,8% GDP, năm 2017 là 64,4%, năm 2018 lên tới 64,7%. Như vậy, nợ công của Việt Nam sẽ chạm trần mức khả năng trả nợ của Chính phủ là 65%. Đóng góp lớn nhất vào khoản nợ công này là nợ của Chính phủ, ở mức 50,3% GDP cả nước. Nợ Chính phủ đã chính thức vượt qua giới hạn an toàn 0,3%. Nợ nước ngoài của quốc gia ở mức 43,1% GDP, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ chiếm 16,1% tổng thu ngân sách (NS) Nhà nước. Ông bình luận gì về những con số này?

- Những số liệu này được đưa ra dựa trên bối cảnh việc giảm thuế thu nhập DN, miễn thuế cho các DN ưu tiên, dỡ bỏ hàng rào thuế quan theo cam kết nhập khẩu và giá dầu giảm sẽ tác động bất lợi đến nguồn thu. Trong khi đó, chi đầu tư dự báo tăng gần 20% sau 2 năm giảm, chi thường xuyên cũng dự kiến sẽ tăng 10%, chi cho y tế tăng và giáo dục tăng 11% và 5%. Một số tổ chức quốc tế đưa ra nhận định, với dân số khoảng 91,7 triệu người, mỗi người dân Việt Nam hiện đang phải gánh khoản nợ khoảng 28,4 triệu đồng. Đây là con số nợ công kỷ lục của Việt Nam. Nợ công và các khoản nợ do Nhà nước đảm bảo đã gần như tăng gấp đôi kể từ năm 2000, cao hơn mức trung bình trong khu vực.

Nếu xét các tiêu chuẩn nợ công của quốc tế, nợ công của Viêt Nam đã ở mức đáng ngại hay chưa? Trong các con số trên, nợ của Chính phủ lớn nhất, vì sao vậy, thưa ông?

- Tỷ lệ vay nợ trên GDP cao hay thấp không hẳn thể hiện vấn đề an toàn, nhưng khả năng trả nợ mới là vấn đề quan trọng nhất. Nợ hàng năm tăng lên. Nếu kinh tế tiếp tục phát triển, GDP tăng thì không là vấn đề, nhưng ngay cả GDP, các tổ chức hạ dự báo tăng trưởng trong bối cảnh giá dầu giảm, thiên tai, tăng trưởng của nhiều nước trong khu vực có quan hệ thương mại với Việt Nam giảm; thu NS khó khăn; đầu tư dàn trải, lãng phí thất thoát trong xây dựng cơ bản… thì rõ ràng sẽ gây khó khăn trong cân đối NS, đến khả năng trả nợ và rủi ro tiềm ẩn ảnh hưởng tới an toàn nợ công.

Theo đánh giá của nhiều tổ chức, đơn vị nghiên cứu kinh tế trong nước, khu vực và quốc tế, nợ công Việt Nam phần lớn do thâm hụt NS lớn (mất cân đối thu - chi NS). Còn lý do khiến nợ Chính phủ tăng, vượt giới hạn cho phép 0,3% GDP xuất phát từ các khoản vay nợ ODA đã đến hạn trả ngày một lớn, sử dụng một số khoản ODA không hiệu quả, nợ của các tập đoàn, DN Nhà nước trong khi khối này vẫn ì ạch là điều đáng ngại.

Đầu tư không hiệu quả khó giữ an toàn nợ công

Bội chi NS năm 2015 thực tế là 6,11% GDP, cao hơn mức dự toán 5%; mức bình quân mục tiêu 4,5% GDP của 5 năm trước không đạt được mà lại tăng lên mức 5,63% GDP, nay mục tiêu bội chi 5 năm tới (giai đoạn 2015 - 2020) lại giảm xuống 4% GDP, ông đánh giá thế nào về khả năng đạt được?

- Thâm hụt NS là vấn đề dai dẳng ở Việt Nam. Một trong số các nguyên nhân quan trọng là do tốc độ tăng chi cao hơn nhiều so với tốc độ tăng thu. Hàng năm, Chính phủ đều trình Quốc hội chấp thuận bội chi ở mức cao để có thêm nguồn lực cho đầu tư phát triển; thâm hụt NS nhiều năm vượt quá mức an toàn là 5%. Năm 2015, con số này lên tới 6,11% GDP (vượt xa mức 5,71% đề ra trong kế hoạch). Trước đó, năm 2013 - 2014 cũng ở mức cao, lần lượt là 7,4% và 6,2%. Trên cái nền chính sách còn nhiều vấn đề, nay lại giảm xuống mục tiêu 4% GDP là một thách thức lớn.

Làm thế nào để đạt được mục tiêu này trong khi dự báo thu NS 5 năm tới có rất nhiều rủi ro trước những biến động: Tăng trưởng GDP có thể không đạt như dự kiến do giá, sản lượng dầu thô giảm; các hiệp định thương mại tự do đang thực hiện và dự kiến có hiệu lực trong giai đoạn 2016 - 2020 sẽ tác động đến thuế suất, sự thay đổi cơ cấu mặt hàng, thị trường xuất khẩu. Mặt khác, khả năng thực hiện các giải pháp điều chỉnh chính sách thu của Bộ Tài chính còn chậm và có độ trễ... Chỉ khi nào trả lời được những câu hỏi này bằng kế hoạch cụ thể, chi tiết và có tính dài hơi, việc đưa chỉ tiêu bội chi NS bình quân 5 năm tới xuống 4% may ra mới có thể đạt được.

Trong kỳ họp Quốc hội vừa qua, Chính phủ thừa nhận cân đối NS Nhà nước còn khó khăn. Ông đánh giá sao về cơ cấu chi NS thời gian qua? Trong bối cảnh hiện nay, cơ cấu tỷ lệ chi thế nào là hợp lý?

- Trong cơ cấu chi tiêu NS hiện nay, chi đầu tư chiếm gần 20%, chi thường xuyên khoảng 70%, phần còn lại chi trả nợ, gồm trả nợ gốc và trả lãi. Gần đây, việc trả lãi được đưa vào chi thường xuyên, kéo chi thường xuyên lên đến 80%, phần trả nợ gốc lại đẩy ra bên ngoài tạo sự chênh lệch thâm hụt NS theo chuẩn Việt Nam chứ không theo chuẩn quốc tế. Với quy mô trả nợ gốc và lãi đều tăng, quy mô tăng NS không thể theo kịp.

Trong thời gian tới, cần tiếp tục cơ cấu lại chi NS, triệt để tiết kiệm chi, ưu tiên cho chi đầu tư phát triển để đầu tư cơ sở hạ tầng, đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, nhất là các địa phương vùng đặc biệt khó khăn, tạo cơ sở thu hút các nguồn vốn đầu tư ngoài Nhà nước; ưu tiên chi cho các nhiệm vụ quan trọng của quốc phòng, an ninh và an sinh xã hội đã ban hành; bố trí chi dự phòng, dự trữ quốc gia để đảm bảo chủ động ứng phó với tình hình thiên tai, dịch bệnh và xử lý các nhiệm vụ cấp bách phát sinh… kết hợp việc triển khai cơ chế hoạt động tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công gắn với lộ trình thực hiện tính giá dịch vụ sự nghiệp công.

Nguồn lực mới để giảm nợ công

Liên quan đến nguồn vốn ODA, cả Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đều có thông điệp, trong một vài năm tới, Việt Nam sẽ không còn được vay theo điều kiện ODA, trong bối cảnh cân đối NS đã khó khăn thì rõ ràng đây là thách thức. Việt Nam cần đối phó thế nào, và cần giải pháp nào để bổ sung nguồn vốn khi mà nhu cầu phát triển vẫn đang lớn?

- WB có thể chấm dứt cho Việt Nam vay vốn ưu đãi ODA từ tháng 7/2017, Việt Nam cũng buộc phải “tốt nghiệp” một khoản vay ưu đãi khác từ ADB vào năm 2019. Việc này ảnh hưởng lớn đến Việt Nam. Chúng ta phải cân đối lại, đặc biệt là khi ODA khắt khe hơn, trong dài hạn Chính phủ cần tập trung thu hút các nguồn vốn khác từ các nhà đầu tư nước ngoài để thay thế nguồn vốn ưu đãi ODA. Chính phủ vừa cần có biện pháp sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA vay được, đồng thời phát triển thị trường vốn, cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia để thu hút các dòng vốn mới từ bên ngoài phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Xem xét đổi mới phương thức bổ sung nguồn vốn đối ứng thông qua các hình thức: Thu hút các nguồn lực của xã hội để bổ sung nguồn vốn đối ứng cho các dự án ODA thông qua việc cho phép các thành phần kinh tế (Nhà nước và tư nhân) tham gia đầu tư cho các dự án dưới hình thức BOT, BT, PPP, qua đó giảm gánh nặng cho NS…

Các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đều nhận định, nợ công là thách thức lớn trong điều hành kinh tế vĩ mô cho Chính phủ nhiệm kỳ mới. Theo quan điểm của ông, Chính phủ cần làm gì để giảm dần nợ công?

- Khả năng trả nợ của Việt Nam liên quan đến hàng loạt yếu tố kinh tế - tài chính, trong đó yếu tố NS đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Muốn giảm nợ công phải giảm chi NS, tái cơ cấu lại các khoản vay nợ, tăng thu NS. Tăng thu không có nghĩa là tăng, đẻ thêm nhiều loại thuế mà phải tạo điều kiện sẵn sàng hỗ trợ DN vượt qua khó khăn. Chính phủ mới cần có chính sách khuyến khích, tiếp sức cho DN để họ duy trì sản xuất, cũng là để nuôi dưỡng nguồn thu. Cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan, tiếp cận nguồn vốn, giúp DN tận dụng lợi thế hội nhập…

Kỷ luật chi NS cần được củng cố để chấm dứt tình trạng chi vượt quá cao so với dự toán. Để khắc phục tình trạng này cần phải cá thể hóa trách nhiệm đối với những người quyết định về đầu tư làm vượt kế hoạch vốn và chỉ trong trường hợp chúng ta phát hiện kịp thời, xử lý kịp thời, nghiêm minh, công khai mới có thể ngăn chặn được tình trạng này.

Kế hoạch đầu tư công trung hạn cần được xây dựng trong khả năng cân đối và đảm bảo tính bền vững của chính sách tài khóa.

Xin cảm ơn ông!