Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bớt đi mối lo lạm phát

Đức Minh
Chia sẻ Zalo

Chỉ số này trong tháng 9 tăng 0,54% so với tháng trước, tăng 3,34% so với cùng kỳ năm trước và tăng 3,14% so với tháng 12 năm trước.

Ngày 24/9, phát biểu tại cuộc họp báo về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 và 9 tháng năm 2016, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê Vũ Thị Thu Thủy cho biết, chỉ số này trong tháng 9 tăng 0,54% so với tháng trước, tăng 3,34% so với cùng kỳ năm trước và tăng 3,14% so với tháng 12 năm trước. Như vậy, CPI bình quân 9 tháng năm 2016 so với cùng kỳ năm trước tăng 2,07%.
Nhóm giáo dục tác động mạnh đến CPI
Theo đó, có tới 10/11 nhóm hàng hóa chính tăng giá, cao nhất là nhóm giáo dục với 7,19%. Nguyên do từ tháng 9, đồng loạt 53 tỉnh, thành trên cả nước tăng học phí theo Nghị định của Chính phủ, khiến nhóm này đóng góp 0,42% vào mức tăng chung. Nhóm giao thông tăng cao thứ 2 với 0,55% do nhiều lần điều chỉnh tăng giá xăng dầu, tiếp đến  là những tác động từ giá lương thực, thực phẩm… Trong tháng này, duy nhất nhóm bưu chính - viễn thông giảm 0,07%. Như vậy, bình quân 9 tháng năm nay so với cùng kỳ năm trước, lạm phát chung có mức tăng cao hơn lạm phát cơ bản, điều này phản ánh biến động giá do yếu tố thị trường có mức tăng cao.
Cũng từ số liệu của Tổng cục Thống kê, mức tăng của lạm phát chung (tăng 2,07%) và lạm phát cơ bản (tăng 1,81%) khá gần với nhau. Lạm phát cơ bản từ tháng 1 - 9 năm nay so cùng kỳ có biên độ dao động trong khoảng khá hẹp từ 1,64% - 1,88%, điều này thể hiện chính sách tiền tệ đang được điều hành ổn định, giúp ổn định kinh tế vĩ mô. “Các điều hành chính sách của Chính phủ và các bộ, ngành rất chủ động, quyết liệt trong kiềm chế lạm phát. Nhà nước định hướng điều chỉnh các mặt hàng theo lộ trình, dần tiệm cận giá thị trường” - bà Thủy cho biết.
Như vậy, với mục tiêu CPI tăng 5% mà Quốc hội đặt ra trong năm nay, với việc CPI 9 tháng là 3,14%, vẫn còn dư địa trong các chính sách điều hành của Chính phủ nhằm kiềm chế lạm phát, dành quan tâm nhiều hơn cho tăng trưởng phát triển.
Những tín hiệu khả quan
Từ các thông tin trên có thể nhận diện 4 điểm nhấn và cũng là 4 tín hiệu khả quan về CPI trong 9 tháng 2016 và cả năm 2016 trên các góc độ khác nhau.
Ở góc độ thứ nhất, CPI 9 tháng và dự báo cả năm 2016 không còn cao như thời kỳ 2004 - 2013, mà đã và sẽ thấp xa so với CPI bình quân thời kỳ từ 2004 – 2013, một thời kỳ có tốc độ tăng CPI rất cao (bình quân tăng 2 chữ số) lặp đi lặp lại có tính chu kỳ và kéo dài trong gần một thập kỷ. Với mức tăng như 9 tháng qua cũng như dự báo cho cả năm 2016 của CPI đã góp phần ổn định tỷ giá, giá vàng, kiềm chế lạm phát, tăng dự trữ ngoại tệ, giảm tình trạng vàng hóa, đô la hóa...
Ở góc độ thứ hai, CPI 9 tháng và dự đoán cả năm 2016 không còn bị kiềm chế ở mức quá thấp như cùng kỳ 2 năm trước. Trong 9 tháng và dự báo cả năm, CPI đã được chuyển từ kiềm chế sang kiểm soát lạm phát theo mục tiêu, đã tăng cao hơn cùng kỳ năm trước. Do vậy, CPI đã góp phần vào việc tăng trưởng tín dụng cao hơn, tăng vốn đầu tư, tạo điều kiện cho việc hồi phục tốc độ tăng trưởng GDP.
Ở góc độ thứ ba, với tốc độ tăng trong 9 tháng và các yếu tố tác động trong những tháng còn lại, có thể dự báo cả năm CPI sẽ hoàn thành kế hoạch, tức là tăng thấp hơn tốc độ tăng (dưới 5%) theo mục tiêu Nghị quyết Quốc hội. Kết quả này bao hàm có ý nghĩa về hai mặt. Một mặt, trong các mục tiêu thì lạm phát là mục tiêu cả về việc xác định cũng như thực hiện là khó khăn nhất, do phụ thuộc vào quy luật khách quan của thị trường, cũng là vấn đề có liên quan đến nhiều chủ thể nhất, từ người tiêu dùng, đến các nhà đầu tư, sản xuất, kinh doanh, đến các nhà hoạch định chính sách vĩ mô. Mặt khác, việc chuyển từ kiềm chế lạm phát sang kiểm soát lạm phát theo mục tiêu là bước chuyển quan trọng về tư duy trong nền kinh tế chuyển đổi.
Ở góc độ thứ tư, gần như chắc chắn tốc độ tăng CPI sẽ thấp hơn tốc độ tăng trưởng GDP là quan hệ có thể chấp nhận được trong thời gian tương đối dài, phù hợp với tư duy kiềm chế lạm phát theo mục tiêu.
Từ các điểm nhấn trên, có thể yên tâm hơn với lạm phát, tỷ giá, tập trung hơn cho việc phục hồi tăng trưởng.