Ông Nguyễn Mạnh Hoạt - Bí thư Chi bộ Tổ dân phố số 7, phường Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm sử dụng máy tính để tra cứu thông tin trên bản đồ số. Ảnh: La Duy |
Lan tỏa trong mọi mặt đời sống
Thấm nhuần sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, tại Hà Nội đã có nhiều đổi mới trong công tác dân vận theo hướng chủ động, thiết thực, tập trung vào những việc mới, việc khó. Đồng thời, phong trào thi đua “Dân vận khéo” được triển khai sâu rộng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, gắn kết chặt chẽ với các cuộc vận động, phong trào thi đua như cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở…
Chỉ tính riêng năm 2019, TP có 9.931 mô hình, điển hình “Dân vận khéo”, trong đó, cấp TP là 764 mô hình; cấp quận, huyện, thị ủy, Đảng ủy trực thuộc Thành ủy có 2.852 mô hình; cấp cơ sở có 6.315 mô hình. |
Việc xây dựng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” được triển khai đồng bộ trong 4 lĩnh vực: Kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị và thực hiện theo ba cấp: TP; quận, huyện, thị ủy, Đảng ủy trực thuộc Thành ủy và cấp cơ sở (xã, phường, thị trấn, DN). Các mô hình “Dân vận khéo” được đăng ký ngay từ đầu năm để làm tiêu chí thực hiện và đánh giá thi đua dịp cuối năm. Nhiều cách làm hay, mô hình tiêu biểu đã xuất hiện và tạo sức lan tỏa như “Xây dựng trang thông tin điện tử tiếp nhận ý kiến của người dân về chất lượng phục vụ của đội ngũ công chức, viên chức” của Sở Nội vụ Hà Nội; mô hình “Xây dựng tổ dân phố điện tử ứng dụng công nghệ thông tin” của tổ dân vận tổ dân phố số 7, phường Đức Thắng (quận Bắc Từ Liêm); “Xây dựng đội tuyên truyền cơ động quận Hà Đông” của Hội Cựu chiến binh quận Hà Đông…
Cùng với đó, công tác dân vận ngày càng sâu sát hơn, gắn bó hơn với các cấp chính quyền cơ sở, nhất là những vấn đề đang được quan tâm như cải cách hành chính, quản lý đất đai, trật tự đô thị, GPMB… góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý của chính quyền các cấp. Các chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động của chính quyền TP Hà Nội được cải thiện qua các năm.
Tạo sự đồng thuận và tin tưởng
Nói về vai trò của công tác dân vận tại cơ sở, lãnh đạo nhiều quận, huyện đã nhận định, nếu không có “cánh tay nối dài” này, sẽ khó thực hiện tốt được các nhiệm vụ chính trị. Như thời điểm Hà Nội phòng chống dịch Covid-19 vừa qua, bất kể ngày đêm, hệ thống dân vận từ TP đến 5.100 tổ dân vận ở cơ sở cùng chủ động vào cuộc theo đúng tinh thần “đến từng ngõ, gõ từng nhà” để tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm túc các chỉ đạo của T.Ư và TP. Khi một số địa bàn phải thực hiện cách ly, cán bộ dân vận nắm bắt tâm tư, động viên người dân, giúp đỡ các trường hợp bị cách ly tại gia đình…, tạo ra sự tin tưởng vào các giải pháp phòng dịch của T.Ư, TP.
Theo Trưởng ban Dân vận Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến, công tác dân vận của TP đang từng bước được đổi mới, khắc phục tình trạng hành chính hóa, đi vào cụ thể hơn. Trong công tác dân vận chính quyền, bên cạnh việc chủ động xây dựng cơ chế phối hợp với Ban Cán sự Đảng UBND TP, Ban Dân vận Thành ủy đẩy mạnh giám sát thông qua hoạt động của MTTQ và các đoàn thể, trong đó tập trung giám sát chuyên đề những vấn đề, nội dung “nóng” dễ phát sinh tiêu cực như thuế, trật tự xây dựng, GPMB… để có những kiến nghị cụ thể với các cơ quan quản lý.
Có thể thấy rằng, hệ thống dân vận của TP Hà Nội đã góp phần quan trọng tăng cường mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Nhân dân với Đảng. Để nâng cao hiệu quả công tác này, lãnh đạo TP liên tục quán triệt yêu cầu công tác dân vận cần phải gần dân, sát dân, hiểu dân, công khai, minh bạch theo đúng các nguyên tắc xây dựng Đảng, không để dân chủ cơ sở chỉ là hình thức. Cùng với đó, tiếp tục phát huy, xây dựng nhiều hơn các mô hình “Dân vận khéo”, để công tác dân vận ngày càng đi vào cuộc sống, tạo sự đồng thuận từ cơ sở.