Bớt thiên lệch, thêm cân bằng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mỹ tiếp tục kiên định chủ trương "xoay trục" sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương và điều chỉnh cách thức thực hiện sự điều chỉnh chiến lược ấy trong thời gian tới. Thông điệp này được ẩn chứa trong chiến lược an ninh quốc gia mới vừa được chính phủ Mỹ công bố.

 Trong đó, mục tiêu chiến lược của Mỹ không thay đổi, nhưng cách thức triển khai thực hiện của Mỹ sẽ khôn khéo và linh hoạt hơn, sẽ nhằm xoa dịu mọi nghi ngại và tránh để bị cảm nhận là khiêu khích hay nhằm đối phó cụ thể ai đó trong khu vực này.

Bằng chứng mới nhất là việc Tổng thống Mỹ Barack Obama trong năm 2015 này mời cả Chủ tịch Trung Quốc lẫn Thủ tướng Nhật Bản, cả Tổng thống Hàn Quốc lẫn Tổng thống Indonesia tới thăm Mỹ.  Chủ ý của Mỹ ở đây rõ ràng là giảm bớt thiên lệch và tăng thêm cân bằng, thúc đẩy quan hệ với cả đồng minh quân sự lẫn đối tác chiến lược, cân bằng đối xử - bằng cách thể hiện sự coi trọng ngang bằng như nhau - các đối tác trong khu vực và đặc biệt là những đối tác đang trắc trở quan hệ với nhau đến mức khiến Mỹ bị khó xử.

Đông Bắc Á là khu vực ở châu Á - Thái Bình Dương mà Mỹ phải quan tâm đến nhiều hơn cả vì vừa phải hợp tác lại vừa phải đối phó với Trung Quốc, vì Triều Tiên vẫn là nhân tố chính trị an ninh khó lường đối với Mỹ và vì Mỹ có quan hệ đồng minh chiến lược truyền thống với Hàn Quốc và Nhật Bản nhưng Nhật Bản lại trắc trở trong quan hệ với cả Trung Quốc lẫn Hàn Quốc. Hơn nữa, Mỹ xử lý quan hệ song phương theo kiểu gì với Triều Tiên thì cũng đều không thể bỏ qua lợi ích của Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Sau chuyến thăm rất thành công mới rồi ở Ấn Độ, ông Obama giờ cần có kết quả tương tự hoặc ít nhất thì cũng tương xứng ở khu vực Đông Nam Á. Chỉ như vậy thì Mỹ mới có thể gây dựng được sự cân bằng quan hệ tương đối với những khu vực này. Bớt thiên lệch mà bên ngoài dễ dàng cảm nhận thấy trong quá trình thực hiện cho đến nay sự điều chỉnh chiến lược sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương và cân bằng tương đối như thế sẽ giúp Mỹ bớt đi đáng kể cái khó xử trong nhiều cặp quan hệ song phương. Mỹ có thể thuận lợi trong tập hợp lực lượng mà không bị nghi ngại là chủ định nhằm đối phó riêng ai. Mỹ có thể dễ dàng chơi con bài đối trọng để tăng vị thế của Mỹ trong chính sách của các đối tác. Và đặc biệt là tránh được nguy cơ bị đẩy vào tình thế buộc phải lựa chọn ủng hộ bên này, đối phó bên kia.

Ngoài ra, Mỹ còn có thể tạo ra được thêm nhiều khuôn khổ quan hệ khác nữa để theo đuổi lợi ích chiến lược ở khu vực này chứ không để tất cả chỉ xoay quanh trục quan hệ với Trung Quốc như trước.

           

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần